+Aa-
    Zalo

    Tích cực trong tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

    (ĐS&PL) - Nhân dịp Quốc khánh 2/9, TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã dành thời gian chia sẻ với Người Đưa Tin.

    Thành tựu trong xây dựng hệ thống pháp luật

    Người Đưa Tin (NĐT): Quá trình hình thành và phát triển của Hội Luật gia Việt Nam gắn với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước. Xin ông hãy chia sẻ về những dấu mốc nổi bật của quá trình này?

    Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở đầu một thời đại lịch sử mới của dân tộc Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước của mình, thời đại Hồ Chí Minh.

    Nhà nước mới đòi hỏi có một bộ máy Nhà nước mới và phải xây dựng một hệ thống pháp luật mới để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội và bảo vệ thành quả của cách mạng, phát triển kinh tế, dựng xây đất nước. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng một đội ngũ luật gia phục vụ Cách mạng, phục vụ đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh các nhà hoạt động chính trị được phân công nhiệm vụ xây dựng chính quyền mới, một số luật gia, sinh viên Trường Đại học Luật Đông Dương và một số luật gia được đào tạo tại các Trường Đại học Pháp đã tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng chính quyền mới.

    Trong những năm đầu dựng nước (1945 - 1946), đội ngũ luật gia Việt Nam phục vụ cách mạng, phục vụ đất nước được hình thành, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền mới từ Trung ương đến cơ sở.

    tich cuc trong tham gia xay dung va hoan thien nha nuoc phap quyen xa hoi chu nghia viet nam

    TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (Ảnh: Hữu Thắng).

    Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống Pháp mở rộng ra cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân Việt Nam đã đứng dậy kháng chiến kiên quyết bảo vệ những thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Không quản hy sinh, gian khổ, nhiều luật gia Việt Nam đã hăng hái bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp.

    Nhận thấy vai trò quan trọng của luật gia trong cuộc đấu tranh để thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, bảo vệ hòa bình, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã động viên giới luật gia tập hợp vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng để đóng góp sức lực, trí tuệ phục vụ cách mạng.

    Ngày 29/3/1955 khoảng 40 luật gia ở các ngành khác nhau tham gia Hội nghị thành lập Hội Luật gia Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Điều lệ Hội và bầu Luật sư Phan Anh làm Chủ tịch Hội. Ngay sau đó, ngày 4/4/1955 Chính phủ đã công nhận việc thành lập Hội và Điều lệ của Hội bằng Nghị định số 130/NV/DC/NĐ.

    NĐT: Những kết quả, thành tựu nổi bật của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến nay là gì, thưa Chủ tịch?

    Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Chúng tôi luôn xác định tham gia xây dựng chính sách pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Do đó, thời gian qua, Trung ương Hội đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác này với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.

    Theo đó, Hội Luật gia tham gia tổ chức tổng kết, sơ kết, đánh giá việc thi hành một số văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Tổng kết 15 năm thi hành Nghị quyết số 49- NQTW của Bộ Chính trị (Khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng (Khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp năm 2013; Sơ kết 05 năm thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015… Các hoạt động này đều được Hội triển khai thực hiện ở các cấp Hội và có báo cáo gửi các cơ quan có liên quan.

    Trong mấy năm gần đây, Hội đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo khoa học, tọa đàm, hội nghị góp ý kiến phản biện đối với 64 dự thảo văn bản Luật. Ở các cấp Hội địa phương, ngoài các hoạt động chung của toàn Hội, hàng năm, theo yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan hữu quan, các cấp hội đã tổ chức đóng góp ý kiến cho hàng chục nghìn lượt dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương.

    Cụ thể các cấp Hội đã tổ chức được gần 2.000 hội nghị, tọa đàm; đóng góp hơn 32.500 ý kiến vào các văn bản của Trung ương và địa phương; tham gia thẩm định, rà soát, kiểm tra hơn 23.700 văn bản.

    tich cuc trong tham gia xay dung va hoan thien nha nuoc phap quyen xa hoi chu nghia viet nam 1

    Tháng 10/2022 Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị (Ảnh: Hữu Thắng).

    Năm 2022, Hội tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

    Trên cơ sở đó, bám sát các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ được thể hiện trong Kết luận số 19-KL/TW ngày 23 tháng 5 năm 2012 và Thông báo Kết luận số 50-TB/TW của Ban Bí thư về sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW; Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động đến các cấp hội địa phương, các đơn vị, chi hội trực thuộc Trung ương Hội.

    Bên cạnh đó, Hội cũng chủ động đề xuất với Đảng và Nhà nước các sáng kiến, kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công; gắn công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật với các hoạt động nghiên cứu khoa học, giám sát và phản biện xã hội, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong các cấp Hội…

    NĐT: Ngày 1/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Xin ông đánh giá về ý nghĩa của Chỉ thị này đối với Hội Luật gia Việt Nam?

    Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị khẳng định Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp. Việc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 14 có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ với Hội Luật gia, giới luật gia Việt Nam mà với cả các cấp ủy đảng, với toàn xã hội trong việc phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí của Hội Luật gia và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân.

    Xây dựng Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới

    NĐT: Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Thưa Chủ tịch, Hội Luật gia Việt Nam đã có những hoạt động thiết thực nào để đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống?

    Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Thực hiện Nghị quyết số 27, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương HLGVN đã chỉ đạo các cấp Hội trong toàn quốc tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết và đề ra Chương trình hành động phù hợp từng cấp Hội, từng đơn vị.

    Tháng 3/2023, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 27 và Kế hoạch số 11 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết 27.

    Mục đích của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp Hội và Hội viên trong thực hiện Nghị quyết 27 và Kế hoạch 11, góp phần tích cực trong tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Căn cứ Nghị quyết 27, Kế hoạch 11 và Chỉ thị 14, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo củng cố Hội Luật gia các cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của thành viên Hội Luật gia Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ đúng quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

    Hội xác định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tổ chức tốt các cuộc hội thảo, tọa đàm, góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội;

    tich cuc trong tham gia xay dung va hoan thien nha nuoc phap quyen xa hoi chu nghia viet nam 3

    Lễ ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2026 giữa Hội Luật gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu lập pháp (Ảnh: Hữu Thắng).

    Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Hội nghiên cứu đề xuất tham gia đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.

    Hội cũng tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với những đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp.

    Tham gia tích cực vào quá trình rà soát và đề xuất chính sách, giải pháp thực hiện cải cách hành chính; Tiếp tục nâng cao năng lực, khai thác, sử dụng có hiệu quả đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên là hội viên Hội Luật gia các cấp tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở.

    Đặc biệt phối hợp, hỗ trợ Hội Luật gia các cấp tham gia công tác giám sát, theo dõi thi hành pháp luật; tham gia giải quyết tranh chấp pháp lý theo quy định của pháp luật.

    NĐT: Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng và xây dựng những đạo luật mới thực tiễn đặt ra. Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, Hội Luật gia Việt Nam sẽ tham gia đề xuất những sáng kiến pháp lý gì, thưa Chủ tịch?

    Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật là phải giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, những vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định, nhằm xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, đồng bộ.

    Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Hội Luật gia Việt Nam luôn chủ động, tích cực thực hiện nhiều hoạt động quan trọng, thiết thực đồng hành cùng Quốc hội, Chính phủ nhằm đổi mới mạnh mẽ những thiết chế pháp lý, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

    Hội Luật gia Việt Nam là cơ quan đề xuất, chủ trì một số dự án luật quan trọng, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật qua các thời kỳ. Trong đó, đã chủ trì xây dựng thành công 2 đạo Luật quan trọng, Luật Trọng tài thương mại được Quốc hội thông qua năm 2010 và Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội thông qua năm 2015. 

    Hiện nay, Hội đang tích cực nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại trình Quốc hội.Theo kế hoạch, cuối quý III đầu quý IV sẽ trình Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024…

    tich cuc trong tham gia xay dung va hoan thien nha nuoc phap quyen xa hoi chu nghia viet nam 4

    Hội Luật gia Việt Nam tổ chức các hội thảo góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) (Ảnh: Hữu Thắng).

    NĐT: Thưa Chủ tịch, để đạt được những kết quả quan trọng trong công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, thời gian tới, Hội Luật gia Việt Nam và các cấp hội cần phải làm gì?

    Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, thời gian qua Hội đã chỉ đạo các cấp Hội huy động trí tuệ, kinh nghiệm của hơn 80.000 Hội viên luật gia, bám sát thực tiễn, chủ động, linh hoạt, nâng cao chất lượng các hoạt động, nội dung thiết thực phù hợp với yêu cầu thực tế;

    Các cấp hội cần chủ động tổ chức tốt các cuộc hội thảo, tọa đàm, góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội; Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và theo kế hoạch của Trung ương Hội đã đề ra.

    Trong đó, tập trung nghiên cứu, góp ý kiến cho các văn bản quy phạm pháp luật sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua và cho ý kiến trong năm 2023 như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)…

    Tăng cường sự phối hợp giữa Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật với các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội, các tỉnh, thành hội trong việc tổ chức hội thảo, tọa đàm, góp ý kiến và tổng hợp ý kiến của các cấp hội và hội viên tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.

    Tiếp tục tham gia tích cực và có hiệu quả vào các ban soạn thảo, tổ biên tập các dự án luật và các chương trình, đề án của Chính phủ và các Bộ, ban, ngành ở Trung ương.

    Cùng với việc tiếp tục tham gia tích cực vào công tác xây dựng pháp luật các cấp Hội cần tích cực tham gia phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội…

    Hoàng Thị Bích
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tich-cuc-trong-tham-gia-xay-dung-va-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-a589512.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan