+Aa-
    Zalo

    Tích cực triển khai đường lối đối ngoại vì hòa bình, hợp tác

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhận lời mời của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030

    Nhận lời mời của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững tại New York (Hoa Kỳ) từ ngày 24-28/9.

    Cũng trong dịp này, nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Cuba từ ngày 28-30/9.

    Cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

    Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững là hội nghị lớn nhất của Liên hợp quốc kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc năm 2000 thông qua các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Hơn 170 Nguyên thủ và Thủ tướng các nước đã đăng ký tham dự.

    Hội nghị Thượng đỉnh lần này được tổ chức đúng vào dịp Liên hợp quốc kỷ niệm 70 năm thành lập và nằm trong chuỗi nhiều sự kiện lớn toàn cầu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, lãnh đạo các nước sẽ thông qua Chương trình nghị sự toàn cầu mới về phát triển, tạo khuôn khổ và định hướng chiến lược về phát triển bền vững từ nay đến năm 2030.

    Một phiên họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: Lê Dương/TTXVN

    Văn kiện Hội nghị với 17 Mục tiêu và 169 Chỉ tiêu phát triển bền vững được đánh giá đã đáp ứng được các quan tâm và lợi ích của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển. Đây là kết quả của quá trình thương lượng tích cực trong hơn hai năm của các nước thành viên Liên hợp quốc.

    Sự tham gia tích cực của Việt Nam vào nhiều hoạt động quan trọng của Liên hợp quốc như: Hợp tác phát triển, giữ gìn hòa bình…, cũng như nỗ lực của Việt Nam trong việc đạt và vượt trước hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nhất là về xóa đói giảm nghèo, được các nước ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam cũng đã chủ động tham gia đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng văn kiện Hội nghị và Chương trình nghị sự 2030.

    Tại Hội nghị lần này, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững, cùng các nước trao đổi và thông qua các định hướng phát triển mới của Liên hợp quốc trong thời gian tới.

    Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững nhằm các mục tiêu: Triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo tinh thần Đại hội Đảng XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế quốc tế của đất nước; thể hiện cam kết, quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trên lĩnh vực này; kết hợp thúc đẩy các lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển, tăng cường quan hệ và sự hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với Việt Nam; đề cao đường lối đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và thúc đẩy hợp tác song phương với một số nước ít có dịp gặp gỡ cấp cao.

    Trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ cùng lãnh đạo các nước chính thức thông qua Văn kiện Hội nghị thượng đỉnh tại Phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh; tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc (PKO) do Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Tổng thống Hoa Kỳ chủ trì; dự Hội nghị lãnh đạo toàn cầu về Bình đẳng giới do Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc và Trung Quốc đồng chủ trì; gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tiếp xúc với nhiều Tổng thống, Thủ tướng các nước mà Việt Nam cần thúc đẩy quan hệ thực chất, nhất là về kinh tế, thương mại.

    Tại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng sẽ tham dự phiên Đối thoại Chính sách với Hội Châu Á và Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam-Hoa Kỳ về chủ đề tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ; đồng thời tham dự hội nghị thường niên của Quỹ Sáng kiến toàn cầu (Quỹ Clinton); trả lời phỏng vấn và thăm Hãng Thông tấn AP; gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.

    Đoàn cấp cao của Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc lần này trong bối cảnh Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội: Kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ ổn định; tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,28\% (cao nhất trong 5 năm qua); Việt Nam được quốc tế ghi nhận đã đạt và vượt trước nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nhất là về xóa đói giảm nghèo. Việt Nam cũng đạt nhiều thành tựu về đối ngoại, đặc biệt đã củng cố và thắt chặt hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước lớn, các đối tác quan trọng, đẩy mạnh kết nối, liên kết khu vực, tăng cường quan hệ với Liên hợp quốc…

    Tiếp tục phát triển quan hệ đoàn kết, hợp tác toàn diện Việt Nam-Cuba

    Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Cuba từ ngày 28-30/9/2015.

    Là một quần đảo nằm ở vùng biển Caribe, Cuba là nước có nhiều khoáng sản, đất đai màu mỡ, thích hợp cho canh tác cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Cuba cũng có điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển ngành du lịch. Năm 2014, Đại hội VI Đảng Cộng sản Cuba đã thông qua đường lối kinh tế - xã hội mới của đất nước với 311 nội dung của quá trình “cập nhật hóa mô hình kinh tế”, chính thức hóa các biện pháp cải cách kinh tế đã và đang áp dụng và bổ sung thêm một số biện pháp mới.

    Cuba triển khai chính sách đối ngoại năng động, kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, tích cực ủng hộ phong trào cách mạng, giải phóng và độc lập dân tộc, đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Từ đầu thập kỷ 90, Cuba đã từng bước điều chỉnh chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình mới nhằm đa dạng hóa, đẩy mạnh quan hệ với các nước Mỹ Latinh và Caribe, đặc biệt là quan hệ chiến lược với Venezuela. Hiện Cuba đang tích cực tiến hành đàm phán bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Cuba cũng chủ động, tích cực hoạt động tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương...

    Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ đoàn kết, ủng hộ và hợp tác toàn diện anh em Việt Nam - Cuba không ngừng được củng cố, phát triển. Cuba là nước đi đầu trong phong trào nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước của Việt Nam; quan tâm thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Việt Nam trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, xây dựng, giáo dục, y tế, công nghệ sinh học, giao thông, thể dục - thể thao…

    Nổi bật trong những năm gần đây về phía Việt Nam có các chuyến thăm Cuba của: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào năm 2007; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào năm 2009; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vào năm 2010; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2012; Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh vào năm 2013; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng năm 2014...

    Về phía Cuba, có các chuyến thăm Việt Nam của: Chủ tịch Fidel Castro vào năm 2003; Phó Chủ tịch Raul Castro (năm 2005); Chủ tịch Quốc hội Ricardo Alarcon (năm 2007); Chủ tịch Raul Castro (năm 2012); Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Marino Murillo Jorge (năm 2012); Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz Canel năm 2013...

    Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng dần theo các năm, năm 2012 là 175 triệu USD, năm 2014 tăng lên 200 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Cuba chủ yếu là các sản phẩm như: Gạo, hàng tiêu dùng và nhập của Cuba các sản phẩm sinh học, thuốc chữa bệnh… Một số doanh nghiệp Việt Nam đang thúc đẩy các dự án đầu tư về xây dựng hạ tầng du lịch, vật liệu xây dựng, sản xuất bột giặt… Trước những thay đổi về chính sách quản lý, kinh tế, môi trường đầu tư của Cuba, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đầu tư tại Cuba.

    Việt Nam cũng đã hỗ trợ Cuba dự án phát triển sản xuất lúa gạo quy mô hộ gia đình giai đoạn IV (2011- 2015) đang trong giai đoạn kết thúc với kết quả tích cực. Các dự án hỗ trợ Cuba canh tác ngô, đậu tương và nuôi trồng thủy sản đã kết thúc giai đoạn 1 và đang thực hiện giai đoạn 2. Việt Nam và Cuba cũng thúc đẩy khả năng hợp tác giữa Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Công ty Viễn thông Nhà nước Cuba ETECSA trong lĩnh vực viễn thông. Ngoài ra, hợp tác trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, văn hóa, y - dược, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước cũng được quan tâm tăng cường.

    Hiện nay, trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam - Cuba vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Cuba trên các lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng, năng lượng, công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, thương mại.

    Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Cuba diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (2/12/1960 - 2/12/2015). Quan hệ đoàn kết anh em, hợp tác toàn diện song phương Việt Nam - Cuba thời gian qua tiếp tục được củng cố, phát triển, thể hiện qua kết quả của các chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao, các bộ, ngành và các phiên họp thường niên của Ủy ban liên Chính phủ hai nước...

    Theo TTXVN

    Xem thêm video Tin tức:

    [mecloud]zuZv2ufQvm[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tich-cuc-trien-khai-duong-loi-doi-ngoai-vi-hoa-binh-hop-tac-a111829.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.