Thuyền trưởng của con tàu chứa hơn 2.700 tấn ammonium nitrate gây ra vụ nổ rung chuyển Lebanon đã có những chia sẻ về vụ việc.
Vụ nổ kinh hoàng hôm 4/8 đã phả hủy gần một nửa thành phố Beirut của Lebanon. Ảnh: Reuters |
Đã 3 ngày trôi qua, dư luận thế giới vẫn chưa hết bàng hoảng bởi vụ nổ thảm khốc hôm 4/8 ở thủ đô Beirut, Lebanon. Cho đến sáng 7/8, ít nhất 157 người được xác định đã tử vong, hơn 5.000 người bị thương và công tác cứu hộ vẫn đang được tiến hành gấp rút.
Giới chức Lebanon vẫn "đổ lỗi" cho một lô hàng 2.750 tấn ammonium nitrate nằm trong nhà kho kể từ năm 2013 là nguyên nhân chính gây ra vụ nổ.
Ammonium nitrate, vốn là thành phần chính của phân bón nhưng cũng được dùng để chế tạo mìn, không thuộc sở hữu của Lebanon mà được giới chức nước này tịch thu từ tàu hàng Rhosus hơn 6 năm trước.
Ông Boris Prokoshev, thuyền trưởng của con tàu trên trả lời trên tờ Dailymail rằng "Họ (giới chức Lebanon) đã quá tham lam".
Thuyền trưởng Boris Prokoshev (áo trắng) cùng thuỷ thủ trên tàu Rhosus thời điểm nó bị bắt tại cảng Beirut. Ảnh: Reuters |
Vị thuyền trưởng này kể lại rằng, tàu Rhosus lúc đó chở 2.750 tấn hóa chất dễ cháy từ Georgia tới Mozambique. Yêu cầu dừng lại đột xuất của chủ nhân con tàu được đưa ra khi nó đang trên đường đi qua Địa Trung Hải.
Thủy thủ đoàn được yêu cầu đưa lên tàu một số thiết bị làm đường rất nặng và chuyển tới cảng Aqaba của Jordan trước khi tiếp tục hành trình tới châu Phi để giao số hóa chất nói trên cho một nhà sản xuất chất nổ.
Từ đó, con tàu đã "không bao giờ rời khỏi Beirut" vì không thể đưa số thiết bị nặng nề lên tàu một cách an toàn trước khi lún sâu vào một tranh chấp pháp lý dai dẳng liên quan tới phí neo đậu tại cảng.
Ông Boris Prokoshev trong cuộc phỏng vấn hôm 6/8. Ảnh: AP |
Thuyền trưởng và các luật sư đại diện chủ nợ cáo buộc chủ nhân con tàu bỏ trốn và bỏ mặc con tàu khiến thủy thủ đoàn mắc kẹt trên con tàu neo ở cảng Beirut nhiều tháng.
"Chúng tôi sống trên một kho thuốc nổ suốt 10 tháng mà không được trả lương", ông Prokoshev nói.
Thuyền trưởng tàu Rhosus ngày 6/8 nói với Reuters rằng, khi con tàu bị bắt giữ ở Beirut, nó vẫn ở trong tình trạng hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nhà chức trách Lebanon không chú ý đến khối ammonium nitrate, vốn được đóng trong những bao tải cỡ lớn trên tàu.
Ông Prokoshev cho rằng, giới chức Lebanon đáng lẽ nên tìm cách phân tán lô hàng đi sớm nhất có thể, thay vì bắt giữ lô hàng và lưu kho suốt 6 năm, nhằm có thể sử dụng nó cho mục đích sản xuất phân bón.
"Tôi thương tiếc những người (thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ nổ). Nhưng chính quyền địa phương, người Lebanon, nên bị trừng phạt. Họ không quan tâm đến khối ammonium nitrate", ông Boris Prokoshev nói.
Hoa Vũ (T/h)