Do Công Vinh vừa bị cảm, cơ thể bị mất nước nên Thuỷ Tiên muốn truyền dịch để hỗ trợ Công Vinh hồi phục sức khoẻ. Đáng nói, thay vì đến cơ sở y tế hay nhờ người có chuyên môn truyền dịch thì vợ chồng Công Vinh lại tự tự thực hiện tại nhà.
Theo đó trên trang fanpage, Thuỷ Tiên vừa đăng tải một đoạn video ngắn với tiêu đề "Công Vinh bị cảm, mất nước, Thuỷ Tiên tự tay ghim kim truyền nước biển cho Công Vinh".
Trong video dài hơn 6 phút, nữ ca sĩ tự tay mở chai nước biển, bắt ven, kim kim truyền và tiêm thêm một loại vitamin C cho chồng. Cầu thủ Công Vinh nằm trên giường dù mệt mỏi nhưng vẫn khen vợ "cô y tá xinh đẹp" còn Thuỷ Tiên luôn tay làm công việc như một y sĩ thực thụ.
Ngay lập tức, dân mạng đã để lại bình luận không đồng tình vì hành động này của nữ ca sĩ. Bởi trong quá trình sử dụng kim tiêm truyền dịch, ca sĩ Thuỷ Tiên không đeo găng tay y tế để chống nhiễm khuẩn. Nhiều người thắc mắc không biết liệu Thuỷ Tiên có học qua trường lớp y khoa nào chưa mà dám "cả gan" tự truyền nước cho chồng tại nhà.
Nhiều ý kiến không đồng tình về việc Thuỷ Tiên tự truyền nước biển cho Công Vinh tại nhà. |
Trước những lời góp ý của dân mạng, Thuỷ Tiên đã lập tức lên tiếng: "Tiên cảm ơn mọi người đã nhắc nhở, nhưng có kinh nghiệm và làm nhiều rồi mới dám làm chứ không ai dại đem chồng ra thử nghiệm lần đầu đâu, mà có thì anh Vinh cũng chẳng dám làm nữa".
Không chỉ thế, Thuỷ Tiên còn cho biết cô từ năm 11 tuổi, cô đã được mẹ truyền dạy kinh nghiệm sử dụng ống truyền và kim tiêm nên mới tự tin truyền nước cho Công Vinh. Cô cho biết đây chỉ là clip 2 vợ chồng quay và đăng tải lên MXH với mục đích "chia sẻ vui" chứ không có ý gì khác.
Ngay sau khi gây tranh cãi, Thuỷ Tiên cũng đã chủ động xoá bỏ clip này trên trang cá nhân gần 8 triệu người theo dõi.
Hiện tại bên cạnh những ý kiến chỉ trích, một số công chúng khác bênh vực Thuỷ Tiên khi cho rằng nữ ca sĩ chỉ đang truyền cho chồng nước biển và vitamin thông thường, không có nguy cơ xảy ra rủi ro.
Việc tự truyền nước, truyền dịch tại nhà khi bị mệt mỏi trong người được cảnh báo nguy hiểm, rủi ro đến sức khoẻ và cả tính mạng. Không phải loại bệnh nào cũng được truyền dịch, và cần có bác sĩ chẩn đoán loại bệnh để chỉ định cụ thể loại dịch nên truyền cho phù hợp.
Những tai biến có thể xảy ra khi truyền dịch không đúng cách như nhiễm trùng hoặc đưa vào cơ thể một lượng nước lớn có thể gây rốn loạn chuyển hoá, gây ra các hiện tượng phù ở tim, thận... Dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không chịu như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc.
Việt Hương (T/h)