(ĐSPL) - Theo đại diện Bộ NN&PTNT, lô hàng thủy sản bị trả về dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng nước này nhưng nước khác vẫn chấp nhận vì tiêu chuẩn mỗi nước một khác. Do vậy, số hàng trên được cho về tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu sang các nước khác.
Liên tiếp cảnh báo
Tin tức trên báo Thanh tra, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) cho biết, Cơ quan Kiểm tra và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa cảnh báo sản phẩm của 2 doanh nghiệp Việt Nam nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm.
FSIS yêu cầu Nafiqad chậm nhất đến ngày 17/6/2016 phải gửi thông báo cho biết nguyên nhân các lô hàng bị nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm và các biện pháp khắc phục.
Sau Mỹ, EU cũng vừa có thông báo các cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam sẽ bị đưa ra khỏi danh sách các cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào thị trường này trong trường hợp có lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo hóa chất kháng sinh cấm theo quy định.
Hiện, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 4 thị trường nhập khẩu lớn và ổn định là EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2010 - 2015, Việt Nam đã có 323 lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các thị trường này.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm Thủy sản (Nafiquad) – Bộ NN&PTNT cho biết: Trong 9 tháng qua, Việt Nam có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về. Trung bình mỗi doanh nghiệp có 5 lô hàng không đảm bảo chất lượng bị trả về, cá biệt, có một doanh nghiệp xuất khẩu bị trả về đến 70 lô hàng.
Các lô hàng bị cảnh báo chủ yếu là do không đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATT). Nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch đối với một số hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng dẫn đến tình trạng tồn dư chất kháng sinh trong thủy sản vượt mức cho phép ở nhiều nước nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm qua, phía cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để khắc phục nhưng trên thực tế, kết quả vẫn còn rất hạn chế. Công tác kiểm soát ATTP thủy sản xuất khẩu mặc dù đã có chuyển biến nhưng chưa được rõ nét.
“Các thị trường cảnh báo rằng, nếu chúng ta không có biện pháp quyết liệt để giảm thiểu tình trạng sử dụng kháng sinh có thể dẫn đến hậu quả các thị trường nhập khẩu áp dụng chế độ kiểm soát tăng cường,” ông Tiệp nói.
Giải thích việc 32.000 tấn thủy sản xuất khẩu bị trả về trong thời gian qua, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: Số hàng bị trả về không chỉ do nhiễm kháng sinh vượt chỉ tiêu cho phép mà còn nhiều nguyên nhân khác như tàu đưa nhầm cảng, bao bì, nhãn mác không đúng tiêu chuẩn, bị rách, ghi sai quy cách, điều kiện bảo quản khi vận chuyển không tốt...
Theo ông Đông, lô hàng thủy sản bị trả về dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng nước này nhưng nước khác vẫn chấp nhận vì tiêu chuẩn mỗi nước một khác. Do vậy, số hàng trên được cho về tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu sang các nước khác.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định: Tình hình trên là rất nguy cấp và yêu cầu các cơ quan chức năng có kế hoạch khẩn cấp về kiểm soát tồn dư kháng sinh trong thủy sản, nhất là với các sản phẩm xuất khẩu, để giảm tình trạng cảnh báo từ các thị trường nhập khẩu và tránh tình trạng bị ngừng xuất khẩu.
Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 4 thị trường nhập khẩu lớn và ổn định là EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. (Ảnh minh họa). |
Thủy sản nhiễm kháng sinh bị trả về được tiêu thụ trong nước
Thông tin trên báo Lao động & Xã hội, câu chuyện thủy sản bị bơm tạp chất, kháng sinh vượt mức đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có giải pháp triệt để. Hiện hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường. Có những doanh nghiệp làm ăn bất chính, đóng gói nhãn mác rồi tiếp thị tới người dân. Cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát những loại thuốc thú y, chất cấm trong thủy sản, đồng thời, cần có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn thông tin cho người dân, kiểm soát đầu vào việc nhập khẩu các kháng sinh cấm...
Tuy nhiên, đối với thủy sản nhiễm kháng sinh thì rất khó để nhận biết được bằng cảm quan. Thậm chí, ngay cơ quan kiểm nghiệm cũng mất nhiều ngày với máy móc hiện đại mới có kết quả. Vì thế, việc người tiêu dùng lo lắng thủy sản chứa kháng sinh vượt ngưỡng cho phép vào bữa cơm gia đình là có cơ sở.
“Chúng tôi rất lo lắng chất lượng bữa ăn gia đình khi thịt lợn chứa chất cấm tạo nạc, thịt bò bơm nước, gà ăn chất vàng ô, nay thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng đi xuất khẩu bị trả về cho tiêu thụ thị trường nội địa. Mình mắt thường không phát hiện được thủy sản chứa kháng sinh vượt ngưỡng chấp nhận ăn là một nhẽ nhưng khi đã xuất khẩu bị trả về lại cho tiêu thụ trong nước là không thể chấp nhận được. Hàng nghìn tấn thủy sản chứa kháng sinh vượt ngưỡng tiêu thụ trong nước nhưng không hề có hãng nào ghi ở bao bì thể hiện thông tin là sản phẩm chứa kháng sinh vượt ngưỡng là thiếu tôn trọng người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần có hành lang pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng nội địa”, chị Nguyễn Thị Lành (Hà Nội) bức xúc nói.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Cty cổ phần Thủy sản Cafatex, cho biết, trên thị trường nội địa thì thủy sản bẩn đã bán tràn lan nhiều năm nay. Hàng không xuất khẩu được thì tiêu thụ nội địa.
Tại Việt Nam các cơ quan chức năng không kiểm tra, ngăn chặn nổi. Doanh nghiệp nói kiểm soát vùng nuôi nhưng kiểm không nổi vì không có quyền quản nông dân dùng thuốc kháng sinh. Không chỉ con tôm mà con cá tra, lươn, ếch đều có nguy cơ cao dư lượng kháng sinh cấm bị vượt ngưỡng. Doanh nghiệp còn phải trả tiền cho người nuôi để được kiểm tra kỹ về dư lượng kháng sinh. Nuôi tôm tất nhiên phải dùng kháng sinh vì con tôm bị hàng trăm thứ bệnh và người nuôi hiện nay lại dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ.
Nhiều doanh nghiệp bất hợp tác với Cục Thú y
Thông tin trên báo TTXVN, theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), liên quan tới các lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo chứa hóa chất kháng sinh thời gian qua, nhiều trường hợp thông tin do doanh nghiệp báo cáo về cơ sở nuôi vi phạm không chính xác, thậm chí một số bất hợp tác với cơ quan chức năng để xác minh thông tin.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD nêu rõ, đối với các trường hợp lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo, cơ quan này đã tổng hợp và cung cấp danh sách cơ sở nuôi cho Cục Thú y để tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm.
“Tuy nhiên, kết quả cho thấy, rất nhiều trường hợp thông tin do các doanh nghiệp báo cáo không chính xác và một số doanh nghiệp không hợp tác với Cục Thú y để xác minh thông tin,” ông Tiệp cho hay.
Vì vậy, NAFIQAD đề nghị trong trường hợp nguyên nhân dẫn tới lô hàng bị cảnh báo là do cơ sở nuôi, các doanh nghiệp có lô hàng bị nước ngoài cảnh báo cần lập biên bản làm việc giữa doanh nghiệp và các cơ sở nuôi vi phạm quy định về sử dụng hóa chất kháng sinh trong quá trình xác định nguyên nhân.
Doanh nghiệp đồng thời gửi kèm theo báo cáo điều tra nguyên nhân, áp dụng biện pháp khắc phục đối với lô hàng bị cảnh báo.
NAFIQAD sẽ căn cứ vào biên bản làm việc này để phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, truy xuất nguồn gốc và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin