Theo các chuyên gia, việc Thụy Điển và Phân Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể đem đến các tác động khác nhau đối với cuộc xung đột Ukraine.
Khả năng chấm dứt xung đột
Chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Ngoại giao (DIPAM) Tolga Sakman cho rằng, việc mờ rộng NATO có thể góp phần giúp chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.
Cụ thể, ông Sakman chỉ ra NATO vẫn muốn kiềm chế Nga nhưng không muốn bị vướng vào một cuộc xung đột trực tiếp với Moscow. Để làm được điều này, NATO cần tăng cường năng lực quân sự, theo đuổi chính sách chính trị gắn kết và có năng lực ngoại giao hơn.
Trong khi đó, Thụy Điển và Phần Lan chắc chắn thuộc về cộng đồng các giá trị phương Tây, mà NATO cũng đại diện.
Bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra với Nga sẽ không chỉ được định hình bởi các nhà lãnh đạo hoặc vũ khí. Trên thực tế, cả Thụy Điển và Phần Lan đều được biết đến với tính trung lập và năng lực kinh tế. Việc họ gia nhập NATO sẽ không chỉ củng cố niềm tin của các thành viên trong khối mà còn mở ra một mặt trận mới giữa NATO và Nga.
Mặt khác, các đồng minh NATO cũng đã tranh luận về một mối liên kết mới và một số thách thức khu vực. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga xảy ra giữa lúc tranh luận này, bởi vậy NATO đã phải mất nhiều thời gian hơn để đưa ra một phản ứng chung.
Với những người ủng hộ việc mở rộng NATO, họ kỳ vọng châu Âu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn với việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
Trong bối cảnh này, có thể dự đoán rằng cả Thụy Điển và Phần Lan, quốc gia có biên giới giáp Nga, sẽ tạo điều kiện cho NATO đóng vai trò tích cực hơn trong việc chấm dứt xung đột Ukraine.
Mặt khác, năng lực quân sự của cả hai quốc gia Bắc Âu này đều vượt tiêu chuẩn của NATO. Trong đó, Phần Lan đã tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP phù hợp với các mục tiêu của NATO, còn Thụy Điển cũng đặt mục tiêu làm điều tương tự vào năm 2028.
Cả Phần Lan và Thụy Điển cũng đã tăng cường tương tác với NATO kể từ khi xung đột nổ ra,. Họ tham gia mọi cuộc họp về cuộc xung đột và trở thành một phần trong cơ chế phòng thủ của liên minh.
Tư cách thành viên của Phần Lan, Thụy Điển cũng sẽ mang lại cho NATO một số lợi thế về địa lý so với Nga.
Đầu tiên, biên giới của Nga với NATO sẽ tăng hơn gấp đôi lên 1.340 km. Đây sẽ là thách thức đặc biệt đối với Moscow vì Phần Lan có chung đường biên giới với khu vực chiến lược nhất của Nga về năng lực hạt nhân.
Đối với Moscow, tăng cường quân sự trong khu vực là một trong những chiến lược chính mà nước này dựa vào để dự đoán nguy cơ mở rộng xung đột.
Việc NATO kết nạp Phần Lan, Thụy Điển có thể được coi là một thách thức năng lực phòng thủ của Moscow và có thể buộc nước này phải chuyển sang một chiến lược mới. Điều này có nghĩa là Nga có khả năng lùi lại một bước chiến lược và có xu hướng đàm phán nhiều hơn ở Ukraine để điều hướng quá trình chuyển đổi này hoặc thực hiện các biện pháp chống lại các mối đe dọa mới.
Tình hình vẫn có thể nghiêm trọng hơn
Trái ngược với quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ Huseyin Bagci, Chủ tịch Viện Chính sách Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ và là giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Kỹ thuật Trung Đông, lại cho rằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO có thể làm leo thang và kéo dài căng thẳng tại Ukraine.
Khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, nó đã thay đổi hoàn toàn mọi tính toán về vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Đặc biệt, việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO là một minh chứng rõ nhất về sự thay đổi này. Khi gia nhập NATO, Thụy Điển và Phần sẽ từ bỏ khoảng thời gian dài trung lập lần lượt trong 200 năm và hơn 70 năm, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử châu Âu.
Do đó, việc đưa họ vào NATO có thể sẽ không chấm dứt xung đột mà ngược lại, có thể đẩy cuộc chiến sang một giai đoạn mới.
Nga sẽ có một đường biên giới mới dài 1.300 km với một quốc gia NATO, điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Moscow. Sự mở rộng của NATO sẽ thúc đẩy Nga gửi thêm quân tới khu vực này và làm leo thang căng thẳng với liên minh.
Theo các tuyên bố từ Moscow, khả năng bùng phát thành một cuộc chiến tranh hạt nhân chiến thuật cũng hoàn toàn cố thể xảy ra.
Nhận xét của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về các mối đe dọa hạt nhân của Nga cho thấy khối này sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào có thể xảy ra.
Ông đã cảnh báo Nga "rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ có thể chiến thắng và do đó không bao giờ nên tham chiến."
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang rình rập châu Âu và tất cả các bên đều nhận thức được sự nguy hiểm.
Trên thực tế, quyết định gửi xe tăng Leopard 2 của Đức, Phần Lan và Na Uy, cũng như việc Mỹ chấp thuận giao xe tăng Abrams cho Ukraine, đã làm đổ vỡ mọi hy vọng đàm phán để chấm dứt xung đột.
Các cuộc thảo luận trong NATO giờ đây sẽ bao gồm việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine như một phần hỗ trợ quân sự của liên minh cho Kiev.
Việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO vẫn có nguy cơ kéo dài xung đột, nhất là khi cả Ukraine và Nga đềucó vẻ chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Minh Hạnh(Theo aa.com.tr)