Ngày 16/10 (giờ địa phương), quan chức quân sự hàng đầu của Thụy Điển Karl Engelbrektson thông báo Washington và Stockholm đã ký một "thỏa thuận chiến lược", sẽ trở thành khuôn khổ để thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước.
Cụ thể, ông Engelbrektson chia sẻ: "Trở thành bạn tốt với Mỹ không phải một quyết định sai lầm khi xung đột xảy ra".
Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, tướng James McConville, đã ca ngợi thỏa thuận trên với Thụy Điển, đồng thời nhấn mạnh Mỹ rất lo ngại đến các hoạt động quân sự có thể xảy ra ở vùng Cực Bắc và khẳng định Stockholm là "chuyên gia" trong vấn đề này.
Tướng McConville cho biết thêm: "Họ có thể chia sẻ chuyên môn với chúng tôi và ngược lại, chúng tôi cũng cho thể cho họ thấy những gì mình có".
Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan đã quyết định từ bỏ hàng thập kỷ trung lập để nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Mỹ đã nhanh chóng ủng hộ và phê chuẩn việc kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu vào khối.
Trong tuyên bố về việc này, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định động thái của thượng viện "gửi một tín hiệu quan trọng về cam kết bền vững, lưỡng đảng của Mỹ đối với NATO và để đảm bảo Liên minh của chúng ta sẵn sàng đối mặt với những thách thức của ngày hôm nay và ngày mai".
Lên tiếng về việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Moscow sẽ đáp trả nếu NATO tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự ở hai quốc gia Bắc Âu.
Vào cuối tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO và bác bỏ cơ hội đàm phán với Tổng thống Putin sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh ly khai Ukraine.
Minh Hạnh(Theo Press TV)