Những phản ứng trái chiều liên quan đến vấn đề gia nhập NATO đã xuất hiện trong nội bộ đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thuỵ Điển ngay khi nước này bước vào tháng "quyết định". Trước đó, Thuỵ Điển và nước láng giềng Phần Lan dự kiến sẽ công bố quyết định cuối cùng về việc có nên nộp đơn xin gia nhập NATO hay không vào tháng 5.
Thụy Điển sẽ xuất bản một báo cáo đánh giá chính sách an ninh vào ngày 13/5, sớm hơn hai tuần so với kế hoạch, với sự tham gia của đại diện của tất cả các bên trong Riksdag - quốc hội Thụy Điển.
Bộ Ngoại giao nước này cũng sẽ công bố báo cáo đánh giá trước khi chính phủ liên minh đưa ra quyết định có nên nộp đơn gia nhập NATO hay không. Đánh giá của Bộ Ngoại giao sẽ được đưa ra trưuosc ngày 24/5.
Được biết, đảng Dân chủ Xã hội đang cố tránh bị chia rẽ về một vấn đề đã thách thức gần 200 năm trung lập của Thụy Điển bằng một cuộc bầu cử quốc gia vào mùa thu.
Tuy nhiên, truyền thông địa phương ở Thụy Điển đưa tin Bộ trưởng Khí hậu và môi trường Annika Strandhäll, người cũng là chủ tịch hội đồng liên bang của cánh nữ của Đảng Dân chủ Xã hội, nói rằng phe này đã có "một lịch sử lâu dài và đấu tranh trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, giải trừ quân bị và tự do quân sự khỏi các liên minh".
Do đó, bà Strandhäll nhận định: "Chúng tôi, trong hội đồng liên bang, đã quyết định vẫn muốn tuân theo các quyết định trước đây rằng Thụy Điển nên phi liên kết quân sự và đứng ngoài NATO".
Trong khi đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö cho biết ông sẽ đưa ra quan điểm chính thức của mình trước ngày 12/ 5. Ông nói rằng ông cần có thời gian suy nghĩ và phản hồi những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể nói vào Ngày Chiến thắng 9/5 tới. Trong khi có nhiều đồn đoán cho rằng ông chủ Điện Kremlin có thể sẽ tuyên chiến với châu Âu trong ngày này nhưng Moscow đã lên tiếng phủ nhận lời đồn.
Được biết, cả Phần Lan và Thuỵ Điển đều là 2 quốc gia trung lập và không gia nhập NATO. Tuy nhiên, quan điểm của dư luận tại 2 nước này đã thay đổi sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các cuộc khảo sát của quốc hội Phần Lan cho thấy gần 2/3 số bộ trưởng ủng hộ nước này nộp đơn gia nhập NATO. Trong đó, Đảng Dân chủ Xã hội Phần Lan cầm quyền sẽ tổ chức một cuộc tranh luận vào ngày 14/5. Quốc hội tìm kiếm bằng chứng chuyên môn về kế hoạch này, nhưng các cuộc thăm dò dư luận đã cho thấy ngày càng nhiều người dân ủng hộ nước này gia nhập NATO.
Ngày 4/5 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã tới Phần Lan để thể hiện tình đoàn kết khi quân đội Anh tham gia một cuộc tập trận chung với quân đội Phần Lan, Mỹ và Estonia.
Tại đây, ông Wallace đã trao đổi với quân đội Phần Lan về hình thức hỗ trợ quân sự mà Vương quốc Anh cùng các cường quốc NATO khác có thể cung cấp cho họ trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đơn xin gia nhập tới khi Phần Lan nhận được sự chấp nhận đầy đủ theo điều 5 của NATO.
Các chuyên gia cho rằng NATO sẽ đóng quân lâu dài ở Phần Lan trong giai đoạn chuyển tiếp nhưng các cuộc tập trận chung có thể sẽ gia tăng.
Minh Hạnh (Theo AFP)