Dự án Luật về hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh, đưa ra xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp tới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết tới nay cả nước có hơn 52.500 hội với gần 500 hội hoạt động trên phạm vi cả nước.
Việc hình và phát triển hội trong thời gian qua được các cơ quan chính phủ và Quốc hội đánh giá là biểu hiện tích cực của quá trình dân chủ hóa xã hội và khẳng định vai trò làm chủ của nhân dân với đất nước được thể hiện trực tiếp.
Chính phủ và Thường trực Ủy ban Pháp luật đều chung quan điểm dự án Luật về hội không quy định đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng.
Nội dung này được nhiều ý kiến tại phiên họp đồng tình. Bởi đây là các tổ chức chính trị-xã hội có vị trí, vai trò đặc biệt, được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và được Đảng bố trí các cán bộ chủ chốt trong ban lãnh đạo, được Nhà nước bảo đảm ngân sách hoạt động, cơ sở vật chất; có cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức. Ngoài ra, một số tổ chức chính trị-xã hội đã được điều chỉnh bằng luật, pháp lệnh riêng như: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Pháp lệnh Cựu chiến binh…
Tuy nhiên, về quy định tại Điều 2 của dự thảo là "Hội có tư cách pháp nhân" thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong Tờ trình của Chính phủ nêu thực tế có những hội không có tư cách pháp nhân như hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, dòng họ... chỉ mang tính chất gặp gỡ, trao đổi, không có người đại diện của hội trước pháp luật thì dự án Luật không cần quy định những hội này.
Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, đây là vấn đề cần được cân nhắc kỹ, bởi vì các tổ chức này vẫn được thành lập và hoạt động trên cơ sở nguyện vọng của người dân. Số lượng của loại tổ chức này rất lớn, nhưng theo quy định của dự thảo Luật không phải là hội thì việc quản lý nhà nước cũng như việc xử lý vi phạm pháp luật đối với loại tổ chức này sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Do đó, để bảo đảm quyền của công dân cũng như bảo đảm công tác quản lý nhà nước thì cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh thích hợp với các loại hình tổ chức hội không có tư cách pháp nhân (không đăng ký, không được thành lập theo quy định của dự thảo Luật này)”, Ủy ban Pháp luật ghi trong báo cáo thẩm tra.
Không đồng tình, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề: “Chúng ta đặt ra pháp nhân đối với hội có phải là để dễ quản lý không? Tôi cho rằng chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì người ta có quyền lập hội. Không nên lấy rào cản tư cách pháp nhân để hạn chế lập hội”.
Nhưng thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ông Nguyễn Hạnh Phúc, Phan Xuân Dũng, Ksor Phước) đều cho rằng hội vẫn cần phải có pháp nhân để Nhà nước quản lý, biết được hội đó đang làm công việc gì. Ông Phan Xuân Dũng còn đề nghị hình thức phê chuẩn chức danh của người đứng đầu hội được Luật này quy định.
Vẫn liên quan tới pháp nhân, dự án Luật không cho phép người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam được thành lập hội mà chỉ được tham gia hội.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc nêu doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam có pháp nhân thì được lập hội hay không được lập hội.
Theo ông Phúc, nên nghiên cứu việc người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được lập hội. Trên thực tế người Việt Nam ở nước ngoài cũng có hội và hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, phải phân biệt giữa quyền của công dân Việt Nam lập hội với quyền của người nước ngoài về lĩnh vực này.
Khách mời của phiên họp là ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam đề nghị dự Luật cũng phải quy định thêm việc người Việt Nam ở trong nước tham gia các hội nước ngoài và người nước ngoài tham gia hội ở Việt Nam. Việc quy định như vậy để pháp luật có ứng xử thích hợp.
Trước những quy định của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng vẫn còn nhiều nội dung cần được làm rõ để đảm bảo phát huy tốt nhất tính năng động, tự chủ của hội, dân chủ của toàn xã hội và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét xem có nên đưa dự án này ra kỳ họp Quốc hội tới hay tạm lùi lại để chuẩn bị kỹ hơn.
Theo Chinhphu.vn