(ĐSPL) – Thông báo trên trang web Congress.gov của Mỹ ngày 10/7 cho biết, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết S.Res.412 về Biển Đông.
|
Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua Nghị quyết mang mã số S.Res.412 về Biển Đông |
Được biết, Nghị quyết mang mã số S.Res.412 tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ đối với tự do hàng hải và việc sử dụng vùng biển và vùng trời tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương phù hợp với luật pháp quốc tế, cách giải quyết ngoại giao hòa bình về tranh chấp lãnh thổ còn tồn tại.
Trước đó, thông tin trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cho hay, các nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại về tranh chấp hàng hải trên Biển Đông. Nghị quyết S.Res 412 đã nhận được sự bảo trợ của các Thượng nghị sĩ Mỹ như Robert Menendez, Marco Rubio, Ben Cardin, Jim Risch, John McCain và Patrick Leahy.
Nội dung tóm tắt của Nghị quyết S.Res.412 được sửa đổi ngày 20/5/2014 gồm 4 điểm cơ bản và 5 chính sách của Mỹ dưới đây.
Bốn điểm cơ bản của nghị quyết bao gồm:
Thứ nhất, lên án các hành động ép buộc hoặc sử dụng vũ lực cản trở tự do của các hoạt động trong không phận quốc tế để thay đổi nguyên trạng hay gây bất ổn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ hai, hối thúc Trung Quốc kiềm chế trong việc thực hiện Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) mà họ tuyên bố thiết lập trên biển Hoa Đông cũng như kiềm chế thực hiện các hành động khiêu khích tương tự tại các nơi khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ ba, biểu dương thái độ kiềm chế của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thứ tư, kêu gọi Trung Quốc rút toàn bộ giàn khoan dầu Hải Dương 981 cùng các lực lượng hàng hải khỏi khu vực hiện tại, kiềm chế mọi hành động trên biển trái với Công ước về các quy định ngăn chặn va chạm trên biển, đồng thời, trở lại nguyên trạng ban đầu vốn có trên Biển Đông như thời điểm trước 1/5/2014.
|
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. |
Nội dung 5 chính sách của Nghị quyết S.Res.412 như sau:
Thứ nhất, ủng hộ các nước đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ hai, phản đối những tuyên bố vi phạm đến quyền lợi, tự do và sử dụng luật pháp trên biển.
Thứ ba, giải quyết các tranh chấp mà không đe dọa hay sử dụng vũ lực.
Thứ tư, ủng hộ sự phát triển các viện trong khu vực đối với việc xây dựng hoạt động hợp tác và tăng cường vai trò của luật pháp quốc tế.
Và cuối cùng, Mỹ đảm bảo tiếp tục thực hiện các hoạt động trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Không chỉ vậy, sau đó, phía Bắc Kinh còn có nhiều hành động hung hăng như đâm chìm tàu cá Việt Nam khiến ngư dân và kiểm ngư của ta bị thương. Đến nay, đã có hàng chục tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm hỏng. Hành động trắng trợn của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế cực lực phản đối và lên án. Tuy nhiên, Bắc Kinh không có dấu hiệu xuống thang căng thẳng khi trong suốt hơn 2 tháng qua, nước này luôn duy trì trên 100 tàu các loại, kể cả tàu chiến, và máy bay để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải quốc tế cũng như của Việt Nam. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuong-vien-my-nhat-tri-thong-qua-nghi-quyet-ve-bien-dong-a40681.html