Càng gần Tết nguyên đán, chuyện thưởng tết dường như lại càng "nóng" hơn. Song với giáo viên vùng cao, thưởng tết dường như là quá xa vời mà không có trong suy nghĩ của các thầy cô.
Giáo viên dưới xuôi lên vùng cao dạy học chiếm tỷ lệ cao. Vì thế, mỗi khi Tết đến, nghĩ đến chặng đường phải vượt qua để về quê, thầy cô nào cũng phải "nổi da gà" vì quãng đường quá xa và cách trở.
Với giáo viên vùng cao, thưởng tết là cái gì đó rất xa vời. Ảnh NLĐ. |
Với giáo viên vùng cao, khi nói về thưởng tết, quà tết, hầu như các thầy cô đều không muốn thổ lộ bởi kinh phí quà tết hầu như không có. Nếu có thì quà cũng chỉ 50 - 100 nghìn đồng gọi là tượng trưng.
Chia sẻ với PV Tuổi trẻ, cô Vũ Thị Dung, quê Thái Bình, dạy học ở Sìn Hồ (Lai Châu) đã 15 năm bám trụ ở vùng đất này, chia sẻ: “Từ ngày lên vùng cao công tác chỉ biết vùi đầu vào dạy chữ cho học sinh, vận động học sinh chứ quà tết hay thưởng tết thì chẳng có bởi địa phương, người dân và học sinh còn nghèo lắm, lấy gì mà thưởng hay làm quà”.
Ở những tỉnh miền xuôi, thành phố, mỗi dịp Tết đến, học trò thường đến chúc tết thầy cô giáo nhưng ở vùng cao thì thầy cô phải đi "chúc tết" học trò. Bởi đây là nguồn động lực để giúp các em có thêm sức mạnh để cố gắng, phấn đầu trong học tập.
Còn với giáo viên ở điểm trường Bản Ban (xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), khi được nhắc đến chuyện thưởng Tết, các thầy cô đều lắc đầu và rất bất ngờ khi được hỏi đến vấn đề này.
Cô Lò Thị Hình (giáo viên điểm trường Bản Ban) cho biết trên Dân trí: “Chúng em không có thưởng Tết đâu. À mà có, thưởng Tết của chúng em là chuối và gạo nếp, rau rừng của phụ huynh, không lấy thì họ không ưng cái bụng. Tết năm nào em về cũng có một bao quà như thế chở ở sau xe máy đấy”.
Hàng năm cứ mỗi dịp Tết, câu chuyện thưởng tết trở thành niềm suy tư của nhiều giáo viên vùng cao. Đặc biệt là khi nghe những con số thưởng tết "khủng" của các đơn vị khác, khiến nhiều thầy cô không khỏi chạnh lòng. Song vì lòng yêu nghề nên các thầy cô đều vượt qua mọi khó khăn về vật chất để hoàn thành công tác dạy và học.