(ĐSPL) - Đi học về khát nước, một bé trai (7 tuổi, Quảng Ninh) đã uống 1 chai nước để trước sân nhưng không ngờ đó lại là chai axit pha loãng để đổ bình ắc quy.
Ngày 2/6, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết đang điều trị cho bệnh nhi Dương Phúc Quang (7 tuổi, Quảng Ninh) uống nhầm axít, phải cắt bỏ 2/3 dạ dày.
Theo tin tức trên báo Lao động, gia đình cháu bé cho biết, trời nóng Quang đi học về nhà thấy chai nước Lavie để trước sân nghĩ là nước đưa lên miệng uống mà không biết đó là axít (đã pha loãng để đổ bình ắc quy).
Bệnh nhi uống nhầm axit được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: VnExpress. |
Sau khi uống, Quang nôn liên tục được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương để rửa dạ dày. Tuy nhiên, 1 tuần sau khi ra viện, Quang có biểu hiện nôn nhiều sau khi ăn, đau thượng vị, thể trạng suy kiệt dần.
Đến ngày 19/5, cháu bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi T.Ư. Sau khi thăm khám và xét nghiệm, bác sỹ cho biết bệnh nhi bị bỏng dạ dày.
Chia sẻ với báo VnExpress, TS Phạm Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Nhi khoa cho biết, nguyên nhân khiến bệnh nhi liên tục nôn ra các thức ăn cũ, sụt cân, thể trạng suy kiệt chính là ổ sẹo bỏng lớn vùng hang vị - tiền môn vị, gây hẹp môn vị.
Trước tình hình đó, bác sỹ Hiền cho biết, có 3 giải pháp được đưa ra: một là dùng nội soi ống mềm để nong môn vị, hai là mổ nối vị - tràng, ba là cắt đoạn dạ dày có sẹo bỏng.
“Sau khi hội chẩn giữa các bác sĩ khoa ngoại và khoa tiêu hóa, chúng tôi quyết định phẫu thuật cắt 2/3 đoạn dạ dày của bệnh nhi nhằm giải quyết triệt để nguyên nhân và phòng diễn biến ung thư hóa về sau”, bác sĩ Hiền cho biết.
Ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp vào ngày 25/5. Hiện, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi.
Lời khuyên của bác sỹ Qua trường hợp của cháu Quang, bác sĩ Hiền khuyến, các phụ huynh cần thận trọng, bỏ thói quen để dung dịch, hóa chất nguy hiểm vào chai lọ đựng thực phẩm. Trong gia đình, nếu có các dung dịch, hóa chất này cần để xa tầm với của trẻ, phòng các tai nạn đáng tiếc xảy ra. Chia sẻ về việc khi gặp nạn nhân uống nhầm thuốc hay hóa chất trên báo Gia đình và Xã hội, PGS.TS Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, việc đầu tiên khi bắt gặp người uống nhầm thuốc là cần phải bình tĩnh, tránh hoảng loạn để xử lý được chính xác. Bởi vì khi gặp trường hợp trên mà sơ cứu không tốt sẽ khiến người bệnh càng đau đớn hơn, để lại di chứng hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Với các hóa chất bay hơi, dung dịch tẩy rửa gây ăn mòn mạnh như: Axit, bazơ hoặc xăng dầu… người lớn không được gây nôn cho trẻ. Cha mẹ thường nghĩ rằng cần phải cho trẻ nôn ra hết sẽ hết độc nhưng đây là quan niệm sai lầm. Nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trẻ dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp. Ngoài ra, trước khi tới viện, có thể cho trẻ uống vài ngụm nước lọc nếu hóa chất gây bỏng rát trong cổ họng. Cho trẻ uống từ từ nhằm tránh sặc nước khiến tình hình nghiêm trọng hơn. |
MẠC NHIÊN(Tổng hợp)
Xem thêm video Du khách bị khỉ tấn công
[mecloud]dPG5x73QAa[/mecloud]