(ĐSPL) – Sau gần 40 năm công tác trong lực lượng công an nhân dân, cho đến ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ hưu, Thượng tá Lê Đức Đoàn vẫn dốc hết sức phục vụ công việc.
Thượng tá Lê Đức Đoàn – cán bộ Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) có lẽ là một chiến sĩ CSGT hiếm hoi được hầu hết những người tham gia giao thông đều nhớ mặt, biết tên. Người ta nhớ đến ông không chỉ vì ông là một CSGT nhiệt huyết với công việc, luôn tận tình hướng dẫn người vi phạm giao thông, mà người ta nhớ đến ông nhiều hơn, bởi ông là người anh hùng đã ngăn hàng chục cái chết trên cầu Chương Dương.
Ngày làm việc cuối cùng, Thượng tá Lê Đức Đoàn ra chốt phân luồng giao thông từ rất sớm. |
Gần 20 năm “gác” cầu Chương Dương, cứu hơn 40 mạng người
Thưa Thượng tá, 37 năm làm nhiệm vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô và khoác trên mình bộ trang phục của lực lượng CSGT, vậy trong ngày làm việc cuối cùng, cảm xúc của ông như thế nào?
Ngày làm việc cuối cùng trong lực lượng CSGT Hà Nội, bản thân tôi cảm thấy vô cùng xúc động, cũng có những nhớ nhung, bùi ngùi, nhưng theo quy luật thì đến tuổi phải nghỉ hưu, tôi cũng không còn nuối tiếc gì nữa, bởi tôi cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi.
Đặc biệt, trong ngày làm việc cuối cùng, ngay từ sáng sớm, tôi đã được Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT Hà Nội cùng các đồng nghiệp lên tận chốt tặng hoa và động viên tinh thần, tôi cảm động vô cùng.
Ngay từ khi được bước chân vào lực lược công an nhân dân, được khoác trên mình sắc phục màu vàng của lực lượng CSGT, tôi đã rất tự hào, và luôn tâm niệm sẽ đem hết sức và khả năng của mình để phấn đấu làm tốt công việc được giao.
Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết, ông đã gắn bó với chốt giao thông phía Nam cầu Chương Dương trong gần 20 năm qua. |
Được biết, trong phần lớn thời gian công tác của mình, ông được phân công làm việc tại chốt giao thông cầu Chương Dương. Với ông, chốt giao thông này có điều gì đặc biệt?
Trong 37 năm công tác trong lực lượng CSGT, có gần 20 năm tôi gắn bó với chốt giao thông phía Nam cầu Chương Dương (Long Biên – Hà Nội).
Với tôi, đây là địa điểm rất đặc biệt. Cầu Chương Dương là 1 chốt giao thông rất nhạy cảm, đồng thời là tuyến cầu huyết mạch nối giữa ngoại thành và nội thành, giữa nội thành với các vùng lân cận của Hà Nội.
Ở trên cầu cũng có một vị trí vô cùng đặc biệt, đó là nơi mà khi bị dồn nén, bị ức chế không thể giải tỏa được, thì nhiều người tìm đến đây để quên đi cuộc sống, để tìm đến cái chết.
Gần 20 năm làm công tác đảm bảo trật tự trên cầu, tôi đã cứu giúp được hơn 40 người có ý định tự tử, bên cạnh đó, tôi cũng giúp đỡn rất nhiều các trường hợp bị tai nạn giao thông, hay làm cả việc đưa phụ nữ đi sinh khi cần thiết…
Nhiều người tham gia giao thông mỗi lần qua cầu Chương Dương đều không quên tươi cười chào Thượng tá Lê Đức Đoàn. |
Được mệnh danh là “anh hùng trên cầu Chương Dương”, là người ngăn được hàng chục cái chết trên cầu, vậy đâu là trường hợp khiến ông nhớ nhất? Có khi nào, sau khi cứu những người có ý định tự tử đó, sau này họ còn quay lại thăm ông?
Ấn tượng nhất thì có lẽ là trường hợp của một cô gái rất trẻ đẹp quê ở Nam Định. Cô ấy lấy chồng ở Bồ Đề (Long Biên – Hà Nội), nhưng không biết sau khi xây dựng gia đình, hai vợ chồng có khúc mắc gì mà cô ấy không thể giải tỏa và chịu đựng thêm được nữa.
Vào một buổi chiều mùa đông rét mướt năm 2012, cô ấy lên cầu Chương Dương rồi định nhảy xuống sông tự tử. Ngay khi nhận được tin báo của người dân, tôi vội vàng nhảy lên xe bus rồi chạy bộ thật nhanh vào nơi cô gái đang đứng. Đúng lúc cô gái buông tay thì tôi bám chặt và giữ được cô ấy.
Khi bình tĩnh kéo cô ấy lên, tôi thấy cảm động nhất là cô ấy ôm chặt lấy tôi khóc nức nở khiến tôi ướt hết áo. Tình cảm khi ấy giống như tình cảm của người cha đối với người con, như tình cảm gia đình chứ không phải của một người cần cứu giúp. Bây giờ, cô ấy có 2 đứa con, thi thoảng qua đây, 2 đứa trẻ vẫn líu lo “Cháu chào ông Đoàn, ông có về quê không?”…
Nhìn thấy cuộc sống của cô ấy như vậy, tôi thấy có niềm vui và ý nghĩa rất lớn.
Là Cảnh sát giao thông, đừng bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì!
Trong quá trình xử lý vi phạm giao thông, điều gì gây cho ông ấn tượng lớn nhất?
Đối với tôi, trong công việc xử lý các tình huống giao thông hàng ngày, có những trường hợp rất dung dị, đời thường nhưng lại khiến tôi có kỷ niệm sâu sắc.
Còn nhớ vào thời điểm thi đại học năm 2011, có hai bố con cậu học sinh gia đình ở Bắc Giang đưa nhau lên Hà Nội đi thi. Ở nông thôn, mỗi lần đưa con lên thủ đô thi đại học là lại phải đi vay đi mượn khắp nơi, phải bán con gà hoặc cân gạo, nhưng lên Hà Nội trót đi vi phạm luật giao thông nên họ rất lo lắng và sợ hãi. Bởi vậy, khi họ vi phạm, tôi không xử phạt mà hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, tôi còn cho cả số điện thoại, nói nếu đưa con đi thi Đại học gặp vấn đề gì thì cứ liên lạc với tôi, nếu giúp được tôi sẽ giúp... Sau này, cậu bé đó đỗ vào trường ĐH Bách Khoa, giờ lần nào về quê qua đây cũng ghé vào chào và hỏi thăm tôi.
Nhiều người vi phạm giao thông được tôi hướng dẫn, giải thích tận tình, hay cả những người từng được tôi cứu sống trên cây cầu Chương Dương này, họ đều nhớ đến tôi, đó là điều tôi thấy ý nghĩa nhất.
Họ vẫn đi qua đây, nở nụ cười chào tôi, dừng xe hỏi thăm tôi vài câu, ngày sinh nhật tôi hay ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 (Thượng tá Lê Đức Đoàn là thương binh hạng ¾) thì còn có nhiều người ghé qua tặng tôi bó hoa… Tất cả những điều dung dị ấy khiến tôi ấm lòng vô cùng. Đó chính là động lực để tôi cố gắng trong suốt những năm công tác.
Người chiếc sĩ CSGT trở nên vô cùng nhỏ bé giữa làn xe đông đúc. |
Cho đến ngày làm việc cuối cùng, ông có còn điều gì nuối tiếc chưa làm được không, thưa Thượng tá?
Trong suốt quãng thời gian công tác trong ngành, tôi luôn dồn mọi tâm sức cho công việc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, ngay cả trong buổi làm việc cuối cùng, bởi vậy, tôi cũng không còn điều gì nuối tiếc.
Nghĩ lại, tôi luôn cảm thấy tự hào vì được công tác trong lực lượng công an nhân dân, được nhận sự quan tâm của lãnh đạo, sự ghi nhận của nhiều cá nhân, tổ chức. Năm 2012, tôi được Đảng bộ chính quyền nhân dân thủ đô tặng danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú. Năm 2013, tôi được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Năm 2014, tôi được chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công… Những điều đó khiến tôi rất tự hào, bởi tôi vẫn biết rằng, công sức mà mình bỏ ra vẫn hết sức bé nhỏ, dung dị và đời thường.
Có lẽ, hình ảnh về Thượng tá Lê Đức Đoàn khi làm việc trên nút giao thông cầu Chương Dương sẽ vẫn còn ở trong tâm trí nhiều người. |
Ông có những chia sẻ nào muốn nhắn gửi tới các chiến sĩ trẻ đang tiếp bước phía sau không, thưa Thượng tá?
Tôi chỉ muốn nhắn gửi thế hệ các chiến sĩ trẻ rằng, đã xác định khoác trên mình sắc phục màu vàng của lực lượng CSGT, thì phải biết rằng nó rất vất vả, khó khăn, bụi bặm và áp lực. Dù trời nắng hay trời mưa, dù gió rét, bão bùng hay nắng nóng, các chiến sĩ CSGT luôn phải trực diện đối mặt.
Tình hình giao thông vẫn còn nhiều phức tạp, vì vậy, lực lượng CSGT phải cố gắng, thực sự cố gắng dốc sức phục vụ công việc, đừng đòi hỏi bất cứ điều gì, rồi sẽ được Đảng, nhân dân, đặc biệt những người tham gia giao thông ghi nhận, đó mới là điều đáng quý nhất.
Xin cảm ơn Thượng tá!
Video có thể bạn quan tâm:
Muôn kiểu hành xử 'xấu' của người Việt khi gặp CSGT