Thành phố Thượng Hải, điểm nóng nhất trong đợt bùng dịch nghiêm trọng đang diễn ra ở Trung Quốc, ghi nhận thêm 51 ca tử vong trong ngày 24/4, phá kỷ lục 39 ca của ngày trước đó.
Cũng trong ngày 24/4, Thượng Hải ghi nhận thêm 2.472 ca nhiễm COVID-19 và 16.983 ca nhiễm không triệu chứng.
Thành phố ở bờ biển phía đông Trung Quốc đã bước sang tuần phong tỏa nghiêm ngặt thứ 4 nhưng tình hình dịch ở đây vẫn chưa cho thấy sự khởi sắc rõ rệt.
Chính quyền thành phố cho biết từ ngày 22/4 sẽ áp dụng 9 hành động để đạt được mục tiêu “không còn lây nhiễm cộng đồng”. Theo Bloomberg, tuy nội dung thông báo lặp lại những biện pháp phong tỏa hiện hành, nhà chức trách hứa sẽ nghiêm chỉnh hơn trong công tác thực thi, bao gồm việc đảm bảo người dân không ra khỏi nhà ở khu vực bị hạn chế.
Hôm 23/4, những hàng rào xanh lá cao khoảng 2 m dần được dựng lên bên ngoài một số khu dân cư có ít nhất một ca mắc tại Thượng Hải. Hãng tin Reuters cho hay, đây được mô tả là biện pháp “cách ly cứng” trong văn bản chính thức nhưng lại một lần nữa gây ra sự bất bình cho người dân địa phương.
"Rủi ro sẽ rất cao khi trong nhà xảy ra hỏa hoạn", "Thật thiếu tôn trọng quyền của người bên trong",... một số người dùng Weibo bình luận.
Các biện pháp phong tỏa nghiệm ngặt cũng khiến người dân khó tiếp cận được với nguồn lương thực, như yếu phẩm. Do đó, nhiều người dân Thượng Hải bắt đầu trồng rau, rau gia vị trong chính ngôi nhà của mình.
"Như một phép màu, nó lớn từng ngày", Han Bale, một nhân viên kế toán ở Phố Đông Tân Khu, chia sẻ cảm xúc khi thành công trồng cây tỏi trong một chai nhựa.
Han bị kẹt trong căn hộ của mình kể từ giữa tháng 3. Sau lần đó, ô trồng nhiều loại rau khác nhau gồm hành lá, giá đỗ, rau diếp trong những chai, lọ bỏ đi.
Chadwick Wang, Phó giáo sư xã hội, khoa học và công nghệ, thuộc ĐH Thanh Hoa, cho biết việc làm nông tại nhà giữa đại dịch giúp con người cân bằng cảm xúc trong những ngày bất ổn vì phong tỏa, kể cả khi nó không để làm no bụng hằng ngày.
"Muốn trồng rau trên ban công thành công cần có thời gian và nỗ lực. Nó không thể hoàn toàn làm no bụng người trồng, nhưng hành động trồng trọt có vẻ quan trọng hơn việc ăn chúng", ông nói.
Yang, một chuyên viên trong lĩnh vực quảng cáo, 31 tuổi, cho biết anh tìm thấy niềm vui trong những ngày phong tỏa nhờ trồng rau. "Thú vị nhất là nhìn thấy những thay đổi nhỏ trên cây mình trồng mỗi ngày. Bạn sẽ thấy sức sống và hy vọng vào sự tồn tại nhỏ bé", anh chia sẻ.
Trung Quốc vẫn kiên trì với chính sách “Zero COVID-19 linh hoạt”. Dù phương pháp gây ra nhiều phiền toái cho người dân và ảnh hưởng tới kinh tế nhưng dường như là lựa chọn duy nhất của Trung Quốc lúc này.
Tờ SCMP dẫn lời ông Liang Wannian, trưởng nhóm chuyên gia về công tác ứng phó COVID-19 của Trung Quốc, cho biết dù lượng lớn ca bệnh nhiễm biến thể Omicron chỉ có triệu chứng nhẹ nhưng “thảm họa khổng lồ sẽ xảy ra” nếu Trung Quốc nới lỏng quy định chống dịch.
“Một khi chúng ta nới lỏng, virus sẽ lây lan rộng. Sẽ có nhiều ca nghiêm trọng và ca tử vong trong nhóm người cao tuổi. Số lượng lớn các ca bệnh nặng sẽ gây áp lực lên hệ thống y tế. Nếu nhân viên y tế nhiễm bệnh, họ sẽ không thể cung cấp dịch vụ y tế, từ đó tạo ra vòng tròn luẩn quẩn”, ông Liang cho hay.
Hoa Vũ (T/h)