(ĐSPL) - Mặc dù bộ Y tế đã có thông báo đến sở Y tế các tỉnh, thành phố, bệnh viện trên cả nước dừng sử dụng ba loại thuốc bột pha tiêm, vì những tác hại của nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân, nhưng hiện vẫn có một số nhà thuốc ngang nhiên bán sản phẩm này. PV báo Đời sống và Pháp luật đã ghi nhận nhiều cơ sở bán thuốc trên địa bàn TP.HCM.
Bộ cấm, thuốc vẫn bán ngoài thị trường
Theo thông báo của cục Quản lý Dược, ba loại thuốc bột pha tiêm bị yêu cầu dừng sử dụng đó là: Thuốc bột pha tiêm Koftazide (ceftazidime 1g), SĐK: VN - 8638-09, do công ty M/S Kopran Ltd, India sản xuất, thuốc bột pha tiêm Klocedim (ceftazidime 1gr), SĐK: VN-5367-08, do công ty Klona S.R.L, Argentina sản xuất, thuốc bột pha tiêm Samtoxim (cefotaxim 1 gr), SĐK: VN-5452-08, do công ty M/S Samrudh Pharmaceuticals Pvt. Ltd India sản xuất. Đây là quyết định được cục Quản lý Dược thuộc bộ Y tế đưa ra, sau khi có thông báo từ trung tâm Thông tin thuốc, và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI&ADR). Những thuốc này có hại với người dùng, gây sốc phản vệ, tức ngực, khó thở, tím tái, lạnh chân tay, co cứng người, sốt cao, co giật...
Theo tìm hiểu của PV, hiện thông báo này đã được phát đi rộng rãi trên địa bàn cả nước, nhưng một số nhà thuốc vẫn ngang nhiên bán. Để làm rõ thông tin trên, PV đã thâm nhập thực tế tại nhiều điểm bán thuốc tây trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể nhà thuốc M.X. trên đường Hồng Bàng (quận 6). Tại đây, người bán sẵn sàng cung cấp sản phẩm này khi có đơn thuốc, bác sỹ. Khi PV hỏi về thuốc bột pha tiêm Klocedim, một nam nhân viên cho biết: "Đây là thuốc bột để tiêm chứ không phải thuốc uống. Do đó, phải hết sức thận trọng khi bán, chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho người mua nhưng phải được sự kê đơn của bác sỹ, vì nếu sự cố xảy ra chúng tôi vẫn phải chịu trách nhiệm".
Ghi nhận của PV tại nhiều cửa hàng bán thuốc tây y cho thấy, hầu hết người bán thuốc đều tư vấn cho người mua về ba loại thuốc bột pha tiêm Klocedim, Samtoxim, Koftazide là những loại hàng hiếm. Chị H., một nhân viên tại nhà thuốc tư nhân trên đường Thuận Kiều (quận 5) cho biết: "Từ trước đến nay chúng tôi chưa bán thuốc này bao giờ, có thể đây là những loại thuốc được bác sỹ chuyên dùng cho bệnh nhân trong các bệnh viện. Người dân cũng ít tìm mua thuốc này, thường thì họ mua thuốc bột pha uống, còn pha tiêm chúng tôi chưa gặp bao giờ. Nếu bác sỹ kê đơn thì chị nên đến gặp trực tiếp bác sỹ hỏi mua cho chắc. Vì những loại này thường được dùng trong các nhà thuốc lớn tại các bệnh viện".
Nhiều chủ cửa hàng thuốc tây cho biết, ba loại thuốc bột pha tiêm bị cấm dùng là một loại thuốc kháng sinh giúp chống lại một số vi rút trên cơ thể bệnh nhân. Chỉ những bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân của mình mới có quyền quyết định có nên hay không nên tiêm cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp bệnh nhân do sức đề kháng yếu nên khi tiêm những loại thuốc này vào thường bị dị ứng thuốc, gây sốc phản vệ, nhiều hiện tượng đi kèm như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, co giật... thậm chí tử vong ngay sau đó nếu không được cấp cứu kịp thời. Đây là loại thuốc bột pha tiêm gây nhiều biến chứng có hại cho bệnh nhân. Do đó, việc nhận hàng về bán là điều nhiều cửa hàng thuốc tây e ngại.
Thuốc gây chết người
Đối diện bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) có hàng loạt nhà thuốc tây bán thuốc theo đơn và không theo đơn cho người dân. Khi hỏi mua chai thuốc bột pha tiêm Klocedim, PV được nhân viên đưa cho một lọ thuốc bột có khối lượng 1gr. Nhân viên này giải thích, đây là thuốc để bác sỹ dùng pha tiêm cho bệnh nhân chứ không phải để uống. Nhân viên này cho biết giá một lọ thuốc bột pha tiêm Klocedim có giá 42 ngàn đồng.
Theo dược sỹ Trương Thị Ngọc Liên, nguyên Phó phòng Quản lý Dược, sở Y tế TP.Đà Nẵng, nếu bộ Y tế đã có thông báo không được dùng những loại thuốc bột pha tiêm như trên mà người dân vẫn mua dùng thì rất nguy hiểm. Bởi vì trước khi ra thông báo, bộ Y tế đã có nghiên cứu về những mức độ ảnh hưởng của thuốc đến bệnh nhân. Và khi đã có thông báo của bộ Y tế, nếu nhà thuốc, bệnh viện hoặc cơ sở khám chữa bệnh nào còn sử dụng thuốc đã bị thông báo ngưng dùng, thì cơ quan chức năng có quyền thu hồi và xử lý theo quy định.
Còn theo dược sỹ Hoàng Văn Bích, Trưởng phòng Quản lý Dược tỉnh Kon Tum, hiện những cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn tuân thủ theo quy định của bộ Y tế. Những loại thuốc bột pha tiêm bị cấm dùng, phòng Quản lý Dược tỉnh sẽ tăng cường thanh kiểm tra những cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bán thuốc... để người dân an tâm.
"Thời gian tới, phòng Quản lý Dược tỉnh Kon Tum sẽ hoàn tất thủ tục hồ sơ về trường hợp của một bệnh nhân chết do sốc phản vệ, sau khi cắt amidal để có kết luận chính thức. Sẽ có cuộc họp hội đồng thuộc sở Y tế xác định rõ nguyên nhân bệnh nhân chết do sốc phản vệ. Từ đó, phía quản lý dược chúng tôi sẽ có kết luận về những loại thuốc đã điều trị cho bệnh nhân, trên cơ sở thuốc có nguồn gốc chất lượng và có được bảo quản tốt hay không. Dự kiến chúng tôi sẽ có kết quả cuối cùng vào tháng 8/2014. Còn quy trình khám chữa bệnh có đúng kỹ thuật hay không thì phải chờ kết luận từ sở Y tế tỉnh Kon Tum", dược sỹ Bích cho biết thêm.
Bệnh nhân chết do sốc phản vệ Theo tìm hiểu của PV, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước xảy ra tình trạng nhiều bệnh nhân đột ngột chết do sốc phản vệ. Mới đây nhất, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Mai (28 tuổi, ngụ tỉnh Kon Tum) nhập viện tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum để cắt amidal. Sau khi tiêm thuốc gây mê, bệnh nhân bị sốc phản vệ tử vong. Do những tác dụng không mong muốn của thuốc đã dẫn đến nhiều bệnh nhân chết oan, để bảo đảm vấn đề sức khỏe cho người dân, bộ Y tế ra thông báo về việc ngưng sử dụng ba loại thuốc bột pha tiêm, vì vậy người dân nên sớm áp dụng. |