+Aa-
    Zalo

    Thuốc diệt cỏ sử dụng tràn lan, nhiều bệnh tật phát sinh khó lường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thay vì cuốc cỏ, dọn vệ sinh bờ ruộng như trước đây, hàng nghìn hộ dân tại một số xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đang lạm dụng một lượng lớn thuốc trừ cỏ.

    Thay vì cuốc cỏ, dọn vệ sinh bờ ruộng như trước đây, hàng nghìn hộ dân tại một số xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đang lạm dụng một lượng lớn thuốc trừ cỏ. Dù tiết kiệm công sức nhưng việc làm này đang gây ảnh hưởng môi trường trên diện rộng. Tình trạng sử dụng tràn lan các loại thuốc diệt cỏ nhưng thiếu ý thức thu gom bao bì, vỏ chai đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường...

    Biết độc hại vẫn dùng đại trà

    Những ngày này người dân tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đang tất bật chuẩn bị các công đoạn để bước vào vụ sản xuất lúa Xuân. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc diệt cỏ trong các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

    Tại nhiều cánh đồng thuộc xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên cỏ đã bị cháy khô dọc các bờ ruộng. Theo bà con địa phương, nguyên nhân do thời gian gần đây họ đã phun các loại thuốc diệt cỏ. Ngoài sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, thuốc trừ cỏ còn được sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp như diệt bèo tây trên các tuyến kênh mương, diệt cỏ ven đường... Không ít trường hợp, để tăng hiệu quả, người dân còn tăng nồng độ thuốc khi phun và sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nằm trong danh mục cấm lưu hành, sử dụng. Thực trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ trên các cánh đồng đã đến mức báo động. Trên nhiều tuyến kênh mương, trục đường giao thông tại các xã Cẩm Nam, Cẩm Yên, Cẩm Thăng, không khó để bắt gặp hình ảnh những vạt cỏ, thảm bèo tây cháy khô do phun thuốc. 

    Theo phản ánh của người dân địa phương, việc phun thuốc diệt cỏ có thể làm bèo tây, cỏ dại chết nhanh, tiết kiệm công lao động nhưng sẽ làm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp bị ô nhiễm nghiêm trọng. “Trước đây mọi người thường đi cuốc cỏ, dọn bờ mương theo cách thủ công. Vẫn biết sử dụng thuốc diệt cỏ là không tốt cho sức khỏe và môi trường nhưng do tiện dụng và mất ít công sức nên gia đình và bà con trong xã vẫn dùng đại trà. Các bờ mương, ven đường giờ họ cũng phun thuốc diệt cỏ nên trâu bò cũng không có chỗ để chăn dắt”, anh Nguyễn Văn H., trú tại thôn Nam Yên, xã  Cẩm Nam cho biết.

    Việc lạm dụng thuốc trừ cỏ sẽ dễ gây ảnh hưởng môi trường trên diện rộng.

    Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam cho biết: “Thời gian qua người dân đã dùng thuốc diệt cỏ tràn lan. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền vận động bà con hạn chế việc sử dụng thuốc trừ cỏ để bảo vệ môi trường nhưng vẫn chưa có hiệu quả”.

    Việc sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan, không đúng mục đích, quá liều lượng gây tác động xấu đến môi trường, đe dọa sự phát triển bền vững hệ sinh thái. Đặc biệt, việc lạm dụng thuốc trừ cỏ vào mục đích phi nông nghiệp như trừ cỏ ven các tuyến đường giao thông, diệt bèo trên các tuyến  kênh mương ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nguồn nước và sức khỏe cộng đồng.

    Theo ông Lê Văn Danh, Giám đốc trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và cây trồng huyện Cẩm Xuyên: “Việc người dân phun thuốc diệt cỏ hiện không bị cấm, chỉ cấm các hoạt chất không cho phép. Tuy nhiên, thuốc diệt cỏ được bà con sử dụng tràn lan, không đúng liều lượng sẽ gây ảnh hưởng cho sự sinh trưởng và phát triển, năng suất cây trồng. Phía huyện cũng đã đưa ra nhiều biện pháp như tuyên truyền bà con, chủ trương phá bờ... để hạn chế việc lạm dụng thuốc trừ cỏ...”.

    Mua bao nhiêu cũng có?

    Tại Quảng Trị, gần đây, người dân các xã miền núi đã tiếp cận và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để diệt cỏ và trừ bệnh cho cây cối. Việc người dân lạm dụng các loại thuốc rồi vứt bao bì, vỏ chai ra môi trường đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Bởi lẽ, phía dưới nương rẫy được phun chất độc từ thuốc trừ cỏ, trừ sâu là nguồn nước sinh hoạt của người dân. Nguy hiểm hơn, khi các loại thuốc bảo vệ thực vật được bán tràn lan, giá rẻ nên người dân đua nhau mua về sử dụng. Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát, cấp phép kinh doanh các loại thuốc BVTV chưa thật nghiêm ngặt. Trên thực tế, việc mua các loại thuốc BVTV này tại các địa phương khá đơn giản. Có thể mua lẻ hoặc mua cả lô, nhưng khi hỏi về việc cấp phép bán thuốc BVTV, chủ cửa hàng lại hết sức dè dặt.

    Theo ngành chức năng, hiện tại người dân dùng nhiều nhất là loại thuốc diệt cỏ khai quang sử dụng cho sắn, chuối, lúa có tồn tại hoạt chất 2.4D và Paraquat có khả năng gây bệnh nguy hiểm cho động vật và con người.Việc lạm dụng các loại thuốc này sẽ gây tác động tiềm tàng cho người sử dụng lẫn người sinh sống cạnh đó. Tồn dư các loại thuốc BVTV sẽ tích lũy rồi gây bệnh, ảnh hưởng về sau. 

    Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa để người dân thấy rõ tác hại của việc lạm dụng thuốc trừ cỏ. Người dân cần chú trọng thực hiện các biện pháp canh tác an toàn, trước hết là bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình và góp phần bảo vệ môi trường. Không sử dụng thuốc trừ cỏ, trừ sâu chưa rõ nguồn gốc, thuốc trong danh mục cấm lưu hành nhằm tránh những thiệt hại cho sản xuất, môi trường và sức khỏe cộng đồng.
    Thiện Quyền- Hồ Thắng

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ Nhật số 1
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuoc-diet-co-su-dung-tran-lan-nhieu-benh-tat-phat-sinh-kho-luong-a258134.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan