Theo PGS.TS Nguyễn Việt Cường thì thuế tài sản chắc chắn làm giảm thu nhập của các hộ gia đình.
Sáng 12/12, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Oxfam đã tổ chức hội thảo "Khả năng áp dụng và tác động của Thuế tài sản tại Việt Nam.
Mức độ ảnh hưởng của việc đánh thuế tài sản
Tại buổi hội thảo, PGS.TS Nguyễn Việt Cường (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) khẳng định, thuế tài sản chắc chắn làm giảm thu nhập của các hộ gia đình.
Theo ông Cường, theo dự thảo Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính, đối với nhà ở sẽ có mức thuế suất 0% với nhà từ 700 triệu trở xuống và 0,4 % với phần nhà tính thuế trên 700 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay ở khu vực thành thị, nhà ở dưới 1 tỷ đồng là rất bình thường. Tại Hà Nội, nhà có giá trị 1 tỷ đồng chắc chỉ có ở ngoại thành hoặc những căn hộ chung cư rất cũ trong nội thành. Những căn nhà có giá trị 1-2 tỷ đồng ở Hà Nội cũng chỉ là căn chung cư bình dân.
Tại Hà Nội, nhà có giá khoảng 1 tỷ đồng là những căn chung cư cũ. Ảnh minh họa |
Vì vậy, khi tính toán mức độ ảnh hưởng của việc đánh thuế tài sản, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Cường đã đưa thêm phương án ngưỡng tính thuế nhà là 2 tỷ đồng.
Theo đó, nếu áp mức thuế với giá trị tài sản khởi điểm là nhà từ 700 triệu đồng trở lên, thì sẽ có 77,8% hộ phải nộp thuế đất và khoảng 8% tỷ lệ hộ gia đình phải nộp thuế nhà.
Nếu ngưỡng chịu thuế 1 tỷ đồng thì sẽ có 77,8% số hộ phải nộp thuế đất và số hộ phải nộp thuế nhà giảm còn 4,3%.
Trong khi với ngưỡng chịu thuế là 2 tỷ đồng thì tỷ lệ hộ phải nộp thuế nhà chỉ 0,4%. Đây là con số được cho là rất ít và chỉ tập trung tại các thành thị lớn.
Với phương án mà Bộ Tài chính đưa ra (thuế suất 0,4 %, với ngưỡng tính thuế 70 triệu), thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,3 triệu đồng (bằng 0,89% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 851 nghìn đồng (bằng 0,36% tổng chi tiêu).
Đối với ngưỡng 1 tỉ đồng, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,198 triệu đồng (bằng 0,82% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 800 nghìn đồng (bằng 0,34% tổng chi tiêu).
Đối với ngưỡng 2 tỉ đồng, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,019 triệu đồng (bằng 0,72% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 700 nghìn đồng (bằng 0,29% tổng chi tiêu).
Như vậy, với phương án ngưỡng tính thuế nhà trên 700 triệu đồng thì số hộ bị ảnh hưởng là cao nhất và chi tiêu hộ gia đình sẽ giảm nhiều nhất. Và phương án ngưỡng tính thuế nhà 2 tỷ đồng thì chi tiêu hộ gia đình sẽ giảm ít nhất.
“Cá nhân tôi đề xuất ngưỡng chịu thuế là nhà 2 tỷ đồng. Nếu rút xuống 1 tỷ đồng cũng là một phương án hợp lý vì vừa đảm bảo thu thuế, vừa ít tác động hơn phương án do Bộ Tài chính đưa ra”, PGS.TS Nguyễn Việt Cường nói.
Đóng góp ngân sách không đáng kể
Tại hội thảo, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - cho rằng nếu thuế tài sản được ban hành như dự thảo hiện nay thì sẽ giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng tới hộ nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu.
"Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị nghèo đi chứ không phải do người nghèo được cải thiện. Vì vậy đây không phải là sắc thuế bền vững, nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội”, TS Thành nói.
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho hay, hiện có 174/193 nước trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau. Đóng góp trung bình của thuế bất động sản tại các nước OEDC là cao nhất, vào khoảng 2,12% GDP mỗi năm; các nước đang phát triển là 0,6%; các nền kinh tế chuyển đổi là 0,68%. Trung bình tất cả các quốc gia, đóng góp của thuế bất động sản vào ngân sách nhà nước là 1,04% GDP mỗi năm.
Ông Cường cũng khẳng định, việc đóng góp vào ngân sách của thuế bất động sản không đáng kể. Tại Việt Nam, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ đóng góp 0,03 – 0,06% GDP mỗi năm. Vai trò với ngân sách địa phương cũng khiêm tốn, chỉ chiếm 5-7% thu ngân sách địa phương, nhiều nơi chỉ 2%.
Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, thuế tài sản, đặc biệt là thuế bất động sản là sắc thuế phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, tên gọi “Thuế tài sản” là tương đối mập mờ, vì tài sản là khái niệm rộng.
Ông Nguyễn Đức Thành cũng cho biết thêm, khi ban hành một luật thuế mới, điều quan trọng là tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ở ngân sách của các cấp. Ngoài ra, việc cải thiện ngân sách cần bắt nguồn từ tiết kiệm chi, chứ không phải việc tăng cường thu.
Hoàng Yên (T/h)