+Aa-
    Zalo

    Thuê nhà ở xã hội: Đối tượng nào được thuê?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tính chung cả nước, quỹ nhà ở cho thuê hiện chỉ chiếm hơn 6,3\% tổng số hộ dân sở hữu nhà ở, riêng Hà Nội chiếm 14\%. Vậy những đối tượng nào thuộc diện được thuê?

    (ĐSPL) - Theo Bộ Xây dựng, tính chung cả nước, quỹ nhà ở cho thuê hiện chỉ chiếm hơn 6,3\% tổng số hộ dân sở hữu nhà ở, riêng Hà Nội chiếm 14\%. Vậy những đối tượng nào được thuê nhà ở xã hội?

    Gia đình trẻ xếp hàng

    Những ngày cuối tháng 5 dù nắng nóng hầm hập, hàng trăm người vẫn chen chân nộp hồ sơ thuê nhà tại dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Chị Nguyễn Thị Ba (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mới lập gia đình nên 2 vợ chồng chưa đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Hiện, gia đình tôi đang thuê nhà của hộ dân với giá 3 triệu đồng/tháng nhưng xập xệ và thiếu an toàn. Khi đến ngày nộp hồ sơ thấy hoang mang sợ không thuê được khi quá nhiều người có cùng hoàn cảnh và nhu cầu giống mình”.

    Còn anh Bùi Thắng (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi mất cả tháng để làm hồ sơ. Ngày đầu tiên có đến 300 người nộp và vài trăm hồ sơ trước đó. Trong khi số lượng căn hộ ít, nhu cầu mua lại quá đông. Giá Hà Nội có nhiều căn hộ thuê giá rẻ như thế này”.

    Ông Trần Xuân Hùng, Phó giám đốc Công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng Viglacera cho biết, khu nhà ở xã hội cho thuê gồm 270 căn hộ với các loại diện tích 45m2, 47m2, 60m2, 69,5m2. Giá dự tính là 30.000 đồng/m2/mỗi tháng, phí dịch vụ khoảng 2.000 đồng/m2. “Giá thuê rẻ do chính sách ưu đãi được hưởng từ nhà nước đối với nhà ở xã hội. Hiện, số lượng hồ sơ quá lớn khiến chúng tôi phải chấm điểm, tổ chức bốc thăm quyền được thuê” - ông Hùng nói.

    Tính chung cả nước, quỹ nhà ở cho thuê hiện chỉ chiếm hơn 6,3\% tổng số hộ dân sở hữu nhà ở, riêng Hà Nội chiếm 14\%. (Ảnh minh họa)

    Theo ông Hùng, khu nhà ở xã hội cho thuê có đầy đủ các tiện ích như nhà hàng, nhà trẻ, siêu thị, bể bơi, khu vui chơi thể thao, công viên cây xanh. Hệ thống trường cấp 1 và cấp 2 cũng sớm được khởi công xây dựng vào năm 2015. Viglacera áp dụng thời hạn cho thuê 5 năm. Hết thời gian trên, công ty sẽ bán lại cho các hộ thuê theo giá nhà ở xã hội do Sở Tài chính Hà Nội quy định tại thời điểm đó.

    “Đối tượng được thuê nhà ở xã hội phải đáp ứng được các tiêu chí giống như của ngườic đăng ký mua nhà ở xã hội. Trong đó phải có xác nhận khó khăn về nhà ở tại nơi cư trú hoặc hợp đồng lao động thời hạn từ một năm trở lên và đóng bảo hiểm xã hội tại địa phương (nơi có nhà ở cho thuê)” - ông Hùng nhấn mạnh.

    Khảo sát của PV cho thấy hầu hết đối tượng thuê là gia đình trẻ muốn mua nhà tại dự án, nhưng chưa đủ tài chính. “Họ sợ sau này hết dự án nên thuê trước để lấy quyền được mua sau thời gian 5 năm” - ông Hùng cho biết.

    Còn đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Chèm -Cổ Nhuế (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết: “Đang ưu tiên xây nhà ở xã hội để bán vì số lượng hồ sơ vượt gấp 3, 4 lần so với số căn hộ để bán. Với những hồ sơ không đủ điểm, chúng tôi sẽ chuyển qua hình thức cho thuê sẽ được triển khai sau này”.

    Theo Bộ Xây dựng, tính chung cả nước, quỹ nhà ở cho thuê hiện chỉ chiếm hơn 6,3\% tổng số hộ dân sở hữu nhà ở, riêng Hà Nội chiếm 14\%. Theo Dự thảo Nghị định Quản lý phát triển nhà ở xã hội đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến, Bộ này đề xuất quy định các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải dành 20\% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội.

    [mecloud]SEqsHdJ8hj[/mecloud]

    Đối tượng nào được thuê nhà xã hội?

    Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nghị định về quản lý sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6/2013.

    Điểm đáng chú ý trong nghị định là việc Chính phủ quy định cụ thể nhóm các đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.

    Theo đó, có 8 đối tượng gồm: người có công với cách mạng quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước; công nhân làm việc tại khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp; người thu nhập thấp, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị. Trong đó, người thu nhập thấp là người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

    Có 8 đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. (Ảnh minh họa).

    Ngoài ra còn có các đối tượng là người khuyết tật, người già cô đơn và các đối tượng đặc biệt có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị. Trường hợp là người khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, không có thu nhập thì được bố trí ở tại các trung tâm bảo trợ xã hội của nhà nước; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ và hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư cũng thuộc diện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.

    Theo nghị định, để được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, các đối tượng trên phải đáp ứng các điều kiện như: chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng nhà ở chật chội có diện tích bình quân hộ gia đình dưới 5 m2sàn/người hoặc nhà ở hư hỏng, dột nát.

    Đồng thời, các đối tượng này phải có hộ khẩu thường trú hoặc có hợp đồng lao động có thời hạn từ một năm trở lên và có đóng bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi có nhà ở cho thuê.

    Riêng đối tượng hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư thì không áp dụng các điều kiện nêu trên mà do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về điều kiện.

    Ngoài ra, đối với trường hợp thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước thì phải thanh toán ngay lần đầu số tiền thuê mua bằng 20\% giá trị của nhà ở thuê mua.

    Đối với việc quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước, Chính phủ quy định nghiêm cấm sử dụng nhà vào mục đích khác, không phải để ở; tự ý phá dỡ, sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng lại nhà đang thuê của nhà nước. Chính phủ cũng nghiêm cấm việc chuyển nhượng hợp đồng thuê, thuê mua hoặc cho thuê lại trái quy định.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thue-nha-o-xa-hoi-doi-tuong-nao-duoc-thue-a98061.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.