+Aa-
    Zalo

    Thuê người bắt cóc con nợ để đòi tiền, chủ nợ bất ngờ thoát tội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bị cáo Miên đã cùng chủ nợ bắt cóc, giam lỏng con nợ nhiều ngày để yêu cầu trả tiền. Tuy nhiên, tòa chỉ xử tội Miên, còn chủ nợ và 1 người tham gia đe dọa, đòi nợ cùng bị

    Bị cáo Miên đã cùng chủ nợ bắt cóc, giam lỏng con nợ nhiều ngày để yêu cầu trả tiền. Tuy nhiên, tòa chỉ xử tội Miên, còn chủ nợ và 1 người tham gia đe dọa, đòi nợ cùng bị cáo này lại bất ngờ thoát tội.

    Vụ bắt cóc đòi nợ kéo dài 7 năm

    TAND TP.HCM vừa xét xử sơ thẩm lần 2 đối với bị cáo Trần Văn Miên (SN 1968, quê tỉnh Nam Định) về các tội Cưỡng đoạt tài sản và Bắt giữ người trái pháp luật. Bị cáo Miên bị cáo buộc là người được thuê bắt giữ 1 con nợ để cưỡng đoạt trên 800 triệu đồng. Vụ án này đã kéo dài hơn 7 năm, được đưa ra xét xử nhiều lần và từng bị hủy án để điều tra lại. Vào năm 2010, bà Nguyễn Thị Phương Nam (SN 1971) nhiều lần vay mượn của bà Lê Thị Thảo với tổng số tiền là 4,5 tỷ đồng, lãi suất thỏa thuận từ 9-15% mỗi tháng. Do nhiều lần bà Thảo đòi nợ nhưng bà Nam không trả nên bà này nhờ Miên giúp đỡ, bắt cóc ép bà con nợ phải trả nợ cho mình.

    Chiều 10/12/2010, Miên cùng Thảo đến chung cư của bà Nam tại quận Phú Nhuận đòi tiền. Không gặp được, Miên cho tiền bảo vệ chung cư nhờ thông báo cho mình khi bà Nam ra khỏi nhà. Khoảng 4 tiếng đồng hồ sau, bà Thảo nhận được tin bà Nam vừa ra ngoài nên kêu Miên bám theo. Khi đến góc đường Lê Duẩn - Phạm Ngọc Thạch, Miên ập tới khống chế bà Nam đưa lên ô tô của Thảo đang đợi gần đó. Miên và Thảo đưa bà Nam đến một nhà nghỉ tại quận 12, TP.HCM để giam lỏng. Tại đây, bà Nam xin được trả dần nhưng Thảo không đồng ý. Nhóm này tiếp tục đưa con nợ đến căn nhà hoang bên hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai) giam lỏng và đe dọa buộc trả tiền.

    Bắt giữ người để đòi nợ trái luật, bị cáo Miên lãnh hơn chục năm tù.

    Sau khi thương lượng, bà Nam đã gọi điện cho nhiều người hỏi vay cũng như đòi của những người còn nợ tiền được 3,5 tỷ đồng đưa cho người thân của Thảo.

    Thảo nhận được 3,5 tỷ đồng thì đưa bà Nam đến một nhà nghỉ ở tỉnh Bình Dương. Lúc này, Miên nói “còn 1 tỷ đồng ráng trả cho xong, nếu không lo được thì phải trả từ 500 - 700 triệu đồng”.

    Bà Nam gọi cho người thiếu nợ đòi tiền và được những người này chuyển vào tài khoản của Miên 800 triệu đồng. Sau khi được thả về, bà Nam đã làm đơn tố cáo.

    Ngoài ra, bà Nam còn tố cáo, khoảng 7-10 ngày sau khi được thả, Miên cùng với một đối tượng tên Đức nói giọng miền Bắc liên tục điện thoại yêu cầu bà trả thêm tiền cho Thảo. Sau đó, bà đã ra một quán trà sữa trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đưa cho Đức 40 triệu đồng. Đến tối 20/3/2011, Miên đi taxi cùng nhiều người đến quán ốc tại đường Hùng Vương quận 5 lấy thêm 500 triệu đồng.

    Tuy nhiên, ngoài lời khai, bà Nam không có chứng cứ gì khác, Miên thì phủ nhận nên không có căn cứ buộc Miên cưỡng đoạt số tiền này.

    Kiến nghị điều tra những người có liên quan

    Sau khi Miên ra đầu thú, VKSND Tối cao chỉ truy tố Miên về các tội Bắt giữ người trái pháp luật và Cưỡng đoạt tài sản với số tiền 800 triệu đồng. Tại phiên tòa, bị cáo Miên không thừa nhận tội Cưỡng đoạt tài sản. Miên cho rằng bản thân chỉ đòi nợ hộ bà Thảo, số tiền 800 triệu đồng đã gửi lại cho bà này. Tuy nhiên, bà Thảo phủ nhận lời khai này và Miên cũng không đưa ra được bằng chứng để chứng minh bản thân đã gửi tiền. Luật sư bào chữa cho bị cáo Miên cũng đề nghị tòa làm rõ hành vi phạm tội của bà Thảo. Vì theo luật sư, bà Thảo đóng vai trò chủ mưu trong vụ án nhưng lại không bị đưa ra xét xử.

    Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hành vi của Miên là nguy hiểm cho xã hội nên quyết định tuyên phạt Miên 10 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản, 9 tháng tù về tội Bắt giữ người trái pháp luật; Tổng hợp hình phạt là 10 năm 9 tháng tù. Ngoài bản án hình sự, tòa còn tuyên buộc Miên phải bồi hoàn 800 triệu đồng cho nạn nhân. Riêng số tiền 4,3 tỷ đồng mà bị hại yêu cầu bồi thường, HĐXX xét thấy 3,5 tỷ đồng là tiền bị hại chủ động trả nợ nên không chấp nhận, chỉ buộc bị cáo Miên bồi hoàn 800 triệu đồng.

    Bản án cũng kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ hành vi, trách nhiệm của những người có liên quan đến việc cưỡng đoạt tài sản và bắt giữ người trái pháp luật, nếu có vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Theo toà, vụ án này đã nhiều lần trả hồ sơ để điều tra làm rõ vai trò của bà Thảo và ông Đức về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Tuy nhiên VKSND Tối cao bảo lưu quan điểm không truy tố. Do phạm vi xét xử nên HĐXX kiến nghị VKSND Tối cao, bộ Công an điều tra làm rõ hành vi của những người này.

    Có bỏ lọt tội phạm?

    Tháng 4/2015, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lần 1 đã tuyên phạt Trần Văn Miên mức án 13 năm tù về 2 tội danh. Sau bản án, Miên kháng cáo kêu oan, bị hại cũng kháng cáo. TAND Cấp cao tại TP.HCM sau đó xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án trên, trả hồ sơ để điều tra xét xử lại vì cho rằng cấp sơ thẩm và cơ quan điều tra loại bỏ trách nhiệm hình sự của Thảo và một số đồng phạm là thiếu sót, lọt người, lọt tội.

    Tháng 5/2017, VKSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố Trần Văn Miên về 2 tội Cưỡng đoạt tài sản và Bắt giữ người trái pháp luật. Bà Lê Thị Thảo (SN 1979, ngụ TP.HCM) và Nguyễn Anh Đức (SN 1972, ngụ TP.Hà Nội) bị truy tố tội Bắt giữ người trái pháp luật.

    Ngày 3/8/2017, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm đã tuyên trả hồ sơ để điều tra lại. Sau đó, C45 đã ra quyết định đình chỉ bị can đối với Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức với lý do hành vi của 2 người này không còn nguy hiểm cho xã hội và chỉ xét xử bị cáo Miên về các tội danh nêu trên.

    Công Thư

    Bài đăng trên báo Đời sống & Pháp luật tháng số 24

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thue-nguoi-bat-coc-con-no-de-doi-tien-chu-no-bat-ngo-thoat-toi-a233129.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan