Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị chưa biểu quyết thông qua dự luật Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vì còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Hôm nay (12/7), tại phiên họp thứ 25, ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày tóm tắt tờ trình dự thảo nghị quyết của UBTVQH về biểu thuế Bảo vệ môi trường.
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít (tăng 1.000 đồng/lít), dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít (tăng 500 đồng/lít), dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít (tăng 1.100 đồng/lít), mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg (tăng 1.100 đồng/kg), dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít (tăng 1.700 đồng/lít).
Quốc hội quyết định chưa biểu quyết thông qua dự thảo luật Thuế bảo vệ môi trường xăng dầu. |
Theo bộ Tài chính, phương án điều chỉnh mức thuế Bảo vệ môi trường nêu trên sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7/2018 (so với tháng 6/2018) là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 là khoảng 0,11-0,15%.
Tuy nhiên, Bộ này cũng nhận định, việc tăng thuế Bảo vệ môi trường sẽ làm tăng thu ngân sách khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm, khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả…
Thẩm tra dự thảo nghị quyết, uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng hiện nay, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4%.
Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, cơ quan này kiến nghị cân nhắc việc tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng.
Thảo luận tại phiên họp, đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên kịch khung. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị chưa biểu quyết thông qua vì còn nhiều ý kiến băn khoăn. Nội dung này sẽ được tiếp tục thảo luận ở kỳ họp tiếp theo.
Trước đó, tại cuộc tại họp ban Chỉ đạo giá hôm 10/7, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đề nghị Chính phủ trước hết không nên tăng kịch khung thuế Bảo vệ môi trường từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng ngay.
"Còn nếu tăng, phải có lộ trình hết sức cụ thể chứ không thể tăng một lúc 1.000 đồng/lít", ông Hải nói.