Đọc tập thơ thứ hai của nhà báo Phan Xuân Hồng: Ký ức hoa ngô đồng (Nxb. Hội Nhà văn, 2019) - ngô đồng, một loài hoa rất gợi của nhiều miền quê của đất nước (còn có tên: Vạn ninh, Sen núi), loài hoa thảng thốt trong nhiều thi ảnh của thơ ca, của tiềm thức văn hóa, mà ở đó, với Phan Xuân Hồng là những chiếc lá hình tim xanh biếc bốn mùa, nơi: “Em còn nhớ lời yêu đầu/ mình gửi dưới cơn mưa?/ Khắc tên nhau vào thân ngô đồng cuối ngõ/ Run rẩy bàn tay anh...” (Hoa ngô đồng).
Tập thơ thứ hai của nhà báo Phan Xuân Hồng: Ký ức hoa ngô đồng |
Tôi hiểu vì sao Phan Xuân Hồng đặt tên cho tập thơ thứ hai của mình, bắt đầu bằng Ký ức…! Ký ức hoa ngô đồng như được nối và chuyển tiếp từ những mùa hoa gạo rưng rức đỏ niềm thương yêu và nhung nhớ từng thấy ở tập thơ trước, “Đường xưa hoa gạo đỏ” (Nxb. Hội Nhà văn, 2014).
Hóa ra, Phan Xuân Hồng là người đa cảm, nhớ dai, dù thời gian tầng tầng dòng chảy xô bồ, đa diện, tốt xấu, đục trong… của đời sống, qua năm tháng nhưng anh vẫn luôn sống cùng nó. Có thể nói, thơ anh là hành trình bước ra từ ký ức, từ những nhớ nhung, nỗi niềm thao thức trong trái tim, và nó như dòng chảy thao thiết phù sa của sông Ngàn Phố quê anh, bồi đắp tâm hồn nhậy cảm, hay nghĩ ngợi của một người làm báo. Ở đây là những giai tầng ký ức, từ thuở học trò, từ những tình yêu chớm nở hồn nhiên, đáng yêu ban đầu, đến những trải nghiệm tháng năm, mùa vụ; từ quê hương thân thuộc đến gia đình, đặc biệt là sự trở về “trung tâm” nhân hậu và đạo lý đời người là tình, nghĩa mẹ và vợ con… Đó là mạch chính của Ký ức hoa ngô đồng.
Tuổi học trò, những năm tháng tươi trẻ đầu đời thường là những kỷ niệm sâu sắc và đẹp nhất, với số đông. Phan Xuân Hồng cũng vậy, đó là tuổi tinh nghịch “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, có lúc bạn bè trêu ghẹo đánh nhau, bị thầy phạt đứng dưới cột cờ và phải bước đều dưới sân trường… Nhưng: “… chúng mình cùng bao lứa học sinh/ Đã nên mẹ cha, trưởng thành từ thuở đó/ Tuổi thơ dẫu trải qua vô vàn gian khó/ Vẫn đẹp đến mê ly mỗi khi ký ức ùa về” (Ký ức tuổi thơ). Ký ức ấy đẹp và khó phai đến nỗi, “Em còn nhớ có lần “lỡ mồm” ao ước:/ Giá bây giờ được trở lại ngày xưa!”. Trở lại ngày xưa với tình huống “Giữa lúc thổn thức, em đang còn bỡ ngỡ/ Anh đã trao ngay một nụ hôn liều”. Cái nụ hôn liều tuổi trẻ, trò “ăn vụng” của tình yêu thú vị và phổ biến ấy làm sao quên được?!
Trong chuỗi cảm nhớ nhung, thức trở những ngày xưa, thơ anh rất nhiều THÁNG và MÙA. THÁNG: Tháng mười cổ tích, Tháng mười một, Tháng mười hai, Niệm khúc dã quỳ (nói về tháng 11)…, thường là các tháng cuối năm, khi vào mùa đông và chuẩn bị kết thúc năm cũ, chuyển giao năm mới. Có thể nó là điểm tích tụ của nỗi nhớ và tâm trạng chuẩn bị cho mùa xuân hy vọng phía trước chăng: “Ngày đầu hai đứa hẹn nhau/ Anh kể em nghe chuyện tình loài sen núi/ Cái chạm tay rụt rè trong đêm tối/ Nụ hôn liều bối rối trao yêu/ Anh ngóng Tháng Mười trong nỗi nhớ cô liêu/ Hoài niệm bắt đầu từ điều rất cũ” (Tháng mười cổ tích). Còn tháng mười một thì sao? “Nắng thôi chói chang và bớt phần kiêu hãnh/ Trăng lung linh thôi vằng vặc đỏng đảnh/ Phía mờ xa ảo ảnh vạt sương tàn/ Tháng Mười Một về vụng dại đa đoan/ Đem giận hờn chôn chặt vào miền nhớ”. Và tháng mười hai, tháng cuối cùng của năm: “Những cơn lạnh lê thê/ Da diết thấm sâu nỗi nhớ/ Rét phía không em/ Buốt cả ngôn từ”. Rét đến “buốt cả ngôn từ” là câu thơ thích, thỉnh thoảng có những câu thơ như thế lại lóe lên trong thơ Hồng, đã thấy từ tập Đường xưa hoa gạo đỏ. Tháng mười hai được gọi là tháng “Gói khúc tình phù du/ Sưởi ấm.../ Hoa sữa tinh nghịch/ Nồng hương.../ Khẩu trang - kín mặt khuôn hình/ Nhìn nhau lạ hoắc giữa mùa Đông/… Những đêm trăng/ Anh đợi đến tàn Đông/ Khao khát.../ Được ôm em trong chút lạnh cuối mùa”. Mượn tháng để bày tỏ tâm trạng, bày tỏ tình yêu, trong khoảng thời gian, không gian se sắt và ảm đạm nhất của năm mà tình yêu vẫn ấm áp mà thôi. Như chỉ có tình yêu mới vượt qua được những khe khắt thời tiết như thế, cho những ngày xuân, hạ nắng lên của mùa sau.
MÙA, đó là: Đông, Lạnh, đến Xuân, Hạ về, Đánh thức… Nếu mùa đông là mưa rét “Rả rích luồn trong gió/ Rụng thành giọt vu vơ/ Thì thầm vương nỗi nhớ/ Trời hư hao dâu bể/ Sắc tàn úa giao mùa” (Đông), nhưng tình yêu vẫn: “Mặc cơn mưa rả rích đến hao gầy/ Ta cuộn mình như những triền mây/ Tan chảy giữa mùa lạnh giá” (Lạnh)… Để một ngày “Tết dạt dần về ngõ/ Cơn mưa chào năm qua/… Những hẹn ước đã qua/ Giấu cất thành kỷ niệm/ Cổ tích bao câu chuyện/ Chúng mình mắc nợ nhau” (Nợ). Và bây giờ, thời khắc của mùa xuân kỳ diệu đã khác rồi: “Ta say một lúc đi em/ Nụ hôn liều ấy, đã lên men rồi/ Đông tàn lạnh giá đầy vơi/ Đào, mai rụng lá, nẩy chồi sang Xuân” (Xuân). Nụ hôn liều lên men làm cho chữ, cho câu “có hồn”, và đó thực sự là một câu thơ có men thi sĩ.
Hết xuân rồi đến hạ, nhưng cái tháng “Hạ về”, lục bát của Phan Xuân Hồng cũng tinh nghịch, hóm hỉnh và hoạt ngôn: “Em còn/ ôm những u sầu?/ Canh thâu thức giấc/ gối đầu ngả nghiêng/ Đồng làng/ Vàng ruộm lúa chiêm/ Qua mùa tiểu mãn/ Xu chiêng độn hàng/ Hạ về/ Tháng Sáu khô rang/ Thị trường đội giá/ hở hang... được mùa/ Trần truồng/ Khe suối nô đùa/ Đồi xanh thay áo/ sim, mua... tím màu/ Em còn/ nhớ trận mưa ngâu?/ Chúng mình/ dắt những nỗi đau theo cùng/ Giờ đây/ qua hết bão bùng/ Chỉ còn tiếng sấm/ lùng nhùng ghẹo mưa!”. Tất cả ký ức ấy ùa về, bao chốn thân quen, phút giây “Hai đứa mình/ tương ngộ cuối mùa sen”, dẫu “tình yêu cũ mèm” nhưng “vẫn đẹp” trong hành trình của tuổi trẻ còn giữ đâu đó sâu thẳm trong mạch máu tuổi thanh xuân của đời người.
Phan Xuân Hồng là người yêu quê. Bởi nói đến quê là nói về tuổi thơ nhiều kỷ niệm, như ở những phần trên. Nói đến quê là nói đến những phong lệ riêng, nói đến vùng “Nghệ ngữ” và ví giặm yêu thương của anh. Và quan trọng hơn, nói đến quê là nói đến mẹ. Một chiều nhớ quê, về thăm quê thăm mẹ, để: “Ngắm đường kim luồn qua từng chỉ áo/ Nơi đói nghèo, có bát cháo nhường nhau/… Con muốn về nghe sông đắp phù sa/ Nhìn đồi núi chuyển mình đơm hoa trái/ Đếm dấu chân mẹ cha trên nương bãi/ Vui giữa đồi cam, vườn quýt... quê mình/ Con thèm đặc quánh bát chè xanh/ Ngửi miếng trầu thơm mùi têm của mẹ” (Nhớ quê). Tôi rất thích “Con muốn về nghe sông đắp phù sa”! Quê hương luôn trong tâm thức người thơ bằng một niềm tin yêu, tự tin bày tỏ: “Quê tôi, trải dài ven con sông Ngàn Phố/ Bên lở hẹn bên bồi bằng những chuyến đò ngang/… Quê tôi, đầy ắp gió Lào khi chớm hạ/ Giấu những cơn mưa khô hạn đến cuối mùa/ Dãy Mồng Gà tần tảo đón nắng mưa/ Thương núi Vạc sững sờ quanh năm chắn bão”. Và dù, “Quê nuôi tôi lớn lên bằng những nồi khoai luộc” dân dã, nghèo khó của Hương Sơn, Hà Tĩnh nhưng quê hương ấy, trong anh mãi là “Quê dạy tôi đói nghèo không biết khóc/ Vì khốn khó sẽ chắt lọc nên những gia tài” (Quê tôi).
Cuộc sống gia đình, ký ức gia đình, tình yêu chồng vợ và con cái vẫn là mảng thơ sâu đậm nhất của Phan Xuân Hồng. Trong ngày sinh nhật vợ, chợt nhớ những ngày, chắc hẳn những ngày mới xây dựng tổ ấm vợ chồng, người cha dặn con gái, sau những điều học ở mẹ sự chăm chỉ, lo toan, chịu đựng… thì thế này: “Sau này con nên nhớ/ Phụ nữ luôn vị tha/ Gặp được chồng đào hoa/ Đừng ghen tuông to chuyện!/ Sau những lần hò hẹn/ Nhất định chồng về nhà/ Cứ lớn tiếng rầy la/ Cửa nhà ắt tan nát”. Dặn con không nghe lời dèm pha, đồn thổi, bịa đặt của thiên hạ, vì thiên hạ vốn điêu ngoa, hay đố kị, vì vậy mà con nên: “Hãy rèn tâm tu luyện/ Như mẹ con đã làm/ Dù chúng bạn khuyên can/ Vẫn niềm tin yêu bố/ Chuyện “hái hoa” nếu có/ Bố luôn giữ lập trường/ Mẹ phỉnh nịnh đủ đường/ Trước sau đều không nhận/… Con cần phải khắc ghi/ Đàn ông chẳng dại gì/ Lại yêu thương mỗi… vợ” (Dặn Con). Một bài thơ dặn con vui vui, hóm hỉnh, mẹo mực, có cả mánh khóe của chính cha… mà vẫn nịnh được vợ, dạy được con cách ứng xử khi người đàn ông có chuyện trăng hoa, lại vẫn “ngoan cố” thói dại gì yêu “mỗi… vợ”, thế mà lại giữ được gia đình hạnh phúc; hạnh phúc vì mẹ con không nghe dèm pha mà “vẫn niềm tin yêu bố”. Bài thơ dặn con nhưng thực ra là tự “làm kiểm điểm” với vợ, để ngỏ rằng, nếu anh lỡ “phải lòng mặt” ai đó ngày mai chẳng hạn, thì anh vẫn chỉ có em và gia đình này thôi, em đừng làm “lớn chuyện” nhé.
Đó là dặn con, còn tâm sự với vợ? “Em cứ để anh được phiêu du/… Lệch bước một đôi lần/ lạc lối để quanh nhau/ Cần gì quá nặng nề/ với chung thuỷ trước sau/ Chính em đã dạy các con:/ Khi sang giàu cần chia phần cho người khác”. Giọng điệu ngụy biện cho thói phiêu du, mây gió… nhưng lại phô bày lạnh lùng một sự thật: “Em đừng bao giờ/ tin lũ đàn ông nhà bên nói khoác:/ Hứa với những mụ vợ kia/ “Yêu duy nhất trong đời”/ Em đủ biết những ngôn ngữ ngọt ngào là lừa dối” (Tâm sự với vợ (1)). Tâm sự thì thế, muốn vợ “cứ để anh được phiêu du” nhưng khi dặn vợ thì lại “ích kỷ”, chỉ muốn được cho mình: “Em hãy là em, là duy nhất của anh/ Đừng lẫn lộn với những đàn bà nhan sắc khác/ Em cứ đẹp dịu dàng, mộc mạc.../ Giữa thế gian này, em phụ nữ hiền ngoan/ Em đừng vì “cầm kỳ thi hoạ” vướng đa đoan/… Em cứ là mãi em, đừng thay lòng đổi tính/ Để anh mãi yêu em hơn chính bản thân mình” (Dặn em). Đọc những bài thơ, những câu thơ này, xem ra người thơ vừa gia trưởng, vừa nhiều huấn thị của một anh chàng… nghề báo?
Nhưng ở một bài tâm sự khác, Tâm sự với vợ (2), mong vợ ứng xử với mẹ chồng lại có tình, có lý: “Có một điều anh luôn ao ước cầu mong/ Em hãy luôn xem mình là đứa con ngoan của mẹ/ Em hãy thay anh, làm tất thảy mọi điều hơn thế/ Để anh mãi là của em/ Mẹ là của chung hai đứa chúng mình!”. May thay, những điều nhận chân và thành thực của tình yêu, của hạnh phúc này đã khỏa lấp những khiếm khuyết, những vướng trở, những mâu thuẫn trong cuộc sống, bởi cuộc sống vốn nhiều tầng bậc, nhiều cám dỗ, nhiều ngã rẽ, nhiều bất thường… : “Cảm ơn cơ duyên giữa những mệt nhọc, bộn bề.../ Thêm động lực để yêu em và yêu nghề nhiều hơn nữa/ Em đã giúp anh thắp lên ngọn lửa/ Mở toang cánh cửa trái tim vốn đã rất nhàu.../ Năm cũ qua rồi, còn chút thời khắc thôi/ Gác lại hết dỗi hờn ngày qua em nhé!/ Ta sẽ bắt đầu bằng những điều mới mẻ/ Tiếp tục nắm tay nhau, qua ngã rẽ gập ghềnh...” (Tâm sự trước giao thừa).
Tất nhiên, Ký ức hoa ngô đồng còn có thơ về những đời sống khác: Chuyện tình facebook, Nợ nghề, Nỗi niềm xứ Nghệ, Mồ côi… với những tâm sự yêu thương, hoặc nỗi niềm đau khác nhau... So với tập thơ đầu tay “Đường xưa hoa gạo đỏ”, thơ Phan Xuân Hồng đã có bước chuyển. Thơ bớt giọng và tính “thời sự” của báo chí hơn. Đáng mừng hơn cả là ý thức về ý thơ, tứ thơ và cấu trúc đã mạch lạc, “có nét” hơn hẳn. Tuy nhiên, vẫn cần những nỗ lực để câu thơ hàm súc và giàu tính biểu cảm hơn là kể dẫn, giải thích…
Hy vọng Phan Xuân Hồng còn mạnh mẽ bước tiếp, như những câu thơ “Tâm sự trước giao thừa” của anh.
Hà Nội, 01/01/2019
Trần Quang Quý