+Aa-
    Zalo

    Thực hư tin đồn rắn thích mùi sữa mẹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lời đồn này đang khiến nhiều gia đình có con nhỏ ở những nơi hay có rắn xuất hiện hoang mang, lo sợ cho sự an toàn của con em mình.

    Lời đồn này đang khiến nhiều gia đình có con nhỏ ở những nơi hay có rắn xuất hiện hoang mang, lo sợ cho sự an toàn của con em mình.

    Tin đồn rắn thích mùi sữa mẹ

    Sự việc bé 22 ngày tuổi ở Hà Tĩnh tử vong chốc lát sau khi bị rắn cạp nong cắn khiến nhiều người không khỏi xót xa. Cháu bé bị cắn khi đang ngủ cùng mẹ, khi thấy con khóc, tưởng con khát sữa nên mẹ bật điện dậy thì phát hiện con rắn ngay trên giường.

    Trước đó, đã có không ít bài chia sẻ cho rằng rắn thích mùi sữa nên thường tìm đường bò vào nhà cũng khiến nhiều bà mẹ trẻ hoang mang và sợ hãi cực độ.

    Trí thức trẻ từng đăng câu chuyện của bà mẹ H.T.T.H có con nhỏ đã tận mắt chứng kiến một con rắn dài bò vào nhà.

    "Mấy mẹ cho con bú thì nên cẩn thận nhé. Em nghe đọc trên mạng nhiều rồi mà em không tin. Giờ mới được chứng kiến ngay tại phòng mình.

    Nhà có cô em gái lên chơi. Ở tầm vài hôm rồi nó đánh hơi thế nào vào tận phòng. Em gái đang cho cháu ti mẹ thì thấy nó trước mặt. Có khăn em gái mình hay lau sữa mà bé ngủ nên chưa kịp giặt cất thì đã thấy nó quấn vào đó rồi. Đọc qua nhiều vụ rồi mà em nghĩ chưa tin là rắn thích sữa mẹ thật. Giờ thì tin thật rồi.

    Mấy mẹ cho con bú thì cẩn thận nhé. Đừng hất đổ sữa thừa lung tung và khăn lau sữa cũng giặt vệ sinh cẩn thận nhé. Em còn bàng hoàng đây các bác ạ. Rắn này rắn gì mà dài khiếp. Còn cả đoạn đuôi dài tận 1 gang tay bị đứt ra nữa", dòng chia sẻ được đăng tải lên mạng xã hội khiến nhiều người lo lắng.

    Hình ảnh con rắn bò vào tận nhà khiến cả gia đình được phen hú vía.

    Tuy con rắn bị phát hiện kịp thời nên không ai gặp nguy hiểm, nhưng nó như một lời nhắc nhở các mẹ bỉm sữa nên cẩn thận và chú ý đến các em nhỏ nhiều hơn, đặc biệt là những gia đình có cây cối um tùm xung quanh hoặc khu vực ẩm ướt có thể trở thành nơi trú ngụ cho rắn rết.

    Dù tin đồn rắn thích mùi sữa, đặc biệt là sữa mẹ chưa được xác minh nhưng không ít chị em lên tiếng cho rằng dù là thật hay giả thì các ông bố bà mẹ cũng nên chú ý an toàn cho các con.

    "Chẳng biết rắn thích mùi sữa có thật hay không nhưng để an toàn nhất thì gia đình mình luôn thậ‌n trọng dọn dẹp v‌ệ sin‌h phòng, nhất là khăn sữa của con, cũng như tuyệt đối không để vương sữa ra nhà vì s‌ợ rắn vào tiếp. Đồng thời, trước khi đi ngủ, chồng mình luôn kiểm tra đi kiểm tra lại giư‌ờng chi‌ếu, chăn màn, chứ không dám chủ quan", tài khoản D.L. chia sẻ.

    Đồng tình với ý kiến trên, chị A.P cũng bày tỏ, "Nhiều vụ trẻ nhỏ bị rắn cắn xảy ra rồi nên phụ huynh cũng nên chú ý nhà có vườn tược, cây cối um tùm cũng lưu ý phát quang xung quanh. Hôm trước, cây chổi để ngoài vườn cam, lúc cầm lên định quét dọn ở sân thì thấy con rắn nằm cuộn khoanh ở đó, may mà nó không cắn hay bò vào cửa nhà cắn người rồi. Mọi người vẫn cẩn thận tránh sự việc đáng tiếc".

    Chuyên gia sinh vật khẳng định: Rắn không ngửi được mùi

    Liên quan tới lời đồn rắn thích mùi sữa mẹ, trao đổi với Vietnamnet, TS Nguyễn Quảng Trường, viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật khẳng định, thông tin này không chính xác.

    Vì không ngửi được mùi nên thông tin rắn thích mùi sữa mẹ là không chính xác.

    TS Trường cho biết, Việt Nam có hơn 300 loài rắn, trong đó có khoảng 60 loài rắn độc, độc nhất là cạp nong, cạp nia, kế đó là hổ mang, rắn lục... song khứu giác của rắn không phát triển, không ngửi được mùi. Mắt cũng kém phát triển.

    “Rắn là động vật săn mồi cảm nhận được động vật máu nóng ở cự ly gần bằng cách thè lưỡi, riêng một số loài có hố má nằm giữa mũi và mắt, đóng vai trò như cảm ứng nhiệt”, TS Trường thông tin.

    Do rắn không ngửi được mùi nên TS Trường khẳng định, tất cả những phương pháp lan truyền như trồng sả, trồng củ kiệu, cây lan tỏi... để đuổi rắn là vô tác dụng.

    Rắn thường hoạt động vào ban đêm, riêng cạp nong, cạp nia sống gần dân, thích bụi rậm nên rất dễ chui vào các gia đình.

    “Cạp nong, cạp nia là loài rắn rất độc, nọc độc phát tác rất nhanh, tác động ngay đến hệ thần kinh trung ương, gây suy hô hấp nên trẻ sơ sinh khi bị loài rắn này cắn rất khó cứu nếu không có máy trợ thở ngay bên cạnh”, TS Trường cho hay.

    Để cứu được tính mạng khi bị rắn cạp nia cắn, người bệnh cần được cấp cứu tại các cơ sở y tế trong vòng 3 tiếng đầu tiên bằng cách trợ thở, tiêm huyết thanh kháng nọc.

    Cách phòng tránh và cứu trị khi bị rắn cắn

    TS Trường cho biết, để phòng tránh rắn vào nhà gây hại cho người và vật nuôi, người dân cần phát quang bụi rậm quanh nhà, làm lưới ngăn, khi ra ngoài cần có đèn chiếu sáng, tránh bụi rậm, trước khi ngủ cần soi gầm giường, không ngủ trên nền nhà và cần ngủ mắc màn.

    Để cứu được tính mạng khi bị rắn cạp nia cắn, người bệnh cần được cấp cứu tại các cơ sở y tế trong vòng 3 tiếng đầu tiên bằng cách trợ thở, tiêm huyết thanh kháng nọc.

    “Mỗi loại rắn độc có một loại huyết thanh kháng nọc khác nhau. Để cứu bệnh nhân, bác sĩ phải xác định đúng loài rắn gây ra vết thương. Vì vậy, khi người dân bị rắn độc cắn, nếu đập được rắn cần mang theo, nếu không, cần mô tả chi tiết màu sắc cho bác sĩ, từ đó giúp bác sĩ nhận diện được từng loài rắn độc, tránh mất thời gian kiểm tra vết cắn hay phải thử từng loại huyết thanh”, TS Trường khuyến cáo.

    Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, hầu hết các trường hợp bị rắn độc cắn, nọc độc sẽ gây liệt cơ, dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

    Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đến viện trễ do người dân loay hoay ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu như chích hút nọc đọc, đắp lá... đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) mới đưa bệnh viện, lúc này điều trị rất khó khăn và tốn kém.

    Khi không may bị rắn cắn, BS Nguyên khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự ý chữa bằng các phương pháp chưa có cơ sở khoa học.

    Sơ cứu đúng cách cho người bị rắn cắn rồi chuyển đến cơ sở y tế để cấp cứu.

    Thay vào đó cần sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có trang thiết bị để cấp cứu hô hấp, tim mạch hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để điều trị.

    Ngay khi bị cắn, nên nằm bất động hoặc băng ép bất động chân, tay bằng nẹp, việc đi lại vận động sẽ khiến chất độc ngấm nhanh hơn. Sau đó, duy trì băng ép, vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế.

    Nếu bệnh nhân khó thở trên đường, cần thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...

    BS Nguyên khuyến cáo, khi bị rắn cắn, người dân tuyệt đối không tự ý buộc garô, làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch (mạch máu vận chuyển máu từ tim đi nuôi dưỡng các bộ phận của cơ thể). Nếu quá 40 phút, chân tay rất dễ bị thiếu máu, gây hoại tử. Thực tế, đã có nhiều trường hợp phải cắt cụt chi vì buộc garô quá lâu.

    Người dân cần tránh trích, rạch, trâm, chọc, hút máu tại vùng vết cắn. Các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy các biện pháp này không có lợi ích rõ ràng, gây hại thêm cho bệnh nhân như tổn thương mạch máu, dây thần kinh, nhiễm trùng nặng thêm...

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuc-hu-tin-don-ran-thich-mui-sua-me-a307815.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan