(ĐSPL) - Làng quê vốn thanh bình ngày nào giờ bỗng trở nên xôn xao khác thường, khi một tượng Phật vừa được phát hiện dưới vuông nuôi tôm của một hộ dân tỉnh Bạc Liêu.
Ông Trì chỉ vị trí phát hiện tượng Phật vùi sâu dưới lòng đất. |
Từ trước và sau Tết Ất Mùi, “Cánh đồng chó ngáp” hoang vu ngày nào giờ bỗng chốc trở nên náo động đến lạ thường, bởi mỗi ngày có hàng trăm lượt khách tứ phương đổ xô về đây viếng tượng Phật vừa được tìm thấy dưới ao tôm. Người thì cầu an, chữa bệnh, khấn lạy sinh con theo ý nguyện, kẻ kính cẩn xin số đánh lô đề,... gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Lời đồn Phật tái thế cứu sinh
Ninh Thạnh Lợi A là một xã vùng sâu thuộc huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), cách trung tâm TP.Bạc Liêu chừng 70km đường bộ. Nơi được biết đến với địa danh “Cánh đồng chó ngáp” bạc màu, nhiễm phèn nằm tiếp giáp với 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang, nhưng nay đã thay da đổi thịt, trở thành vựa tôm cá lớn trong khu vực ĐBSCL. Kể từ khi vùng đất hoang vu này được dẫn nước ngọt từ thượng nguồn sông Hậu để rửa phèn, theo chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì đời sống nhân dân khá lên nhiều.
Do vậy, mọi người nơi đây luôn chung sức, chung lòng quyết tâm xây dựng nông thôn mới ngày một giàu đẹp cũng như đảm bảo tình hình an ninh trật tự theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, làng quê vốn thanh bình ngày nào giờ bỗng trở nên xôn xao khác thường, khi một tượng Phật vừa được phát hiện dưới vuông nuôi tôm của hộ cụ Nguyễn Văn Của (SN 1930, ngụ ấp Chòm Cao, xã Ninh Thạnh Lợi A).
Không ít lời đồn thổi về Phật tái thế cứu sinh đã lan truyền với tốc độ chóng mặt khiến hàng trăm người mê tín từ khắp nơi tìm đến khấn lạy gây hoang mang dư luận. Chính quyền địa phương phải vất vả túc trực, vận động, tuyên truyền mọi người, không sa đà mê tín dị đoan, gây mất trật tự trị an.
Ngày 28/02, PV báo Đời sống và Pháp luật có mặt tại đây để ghi nhận thông tin. Mặc dù vào những ngày sau Tết Ất Mùi, lượt khách đến viếng Phật có phần giảm, nhưng vẫn còn khá đông.
Một người chạy đò nơi đây cho biết: “Sáng giờ đã đưa mấy đoàn khách từ Sóc Trăng đến khấn Phật, cầu an. Hôm cao điểm thì đưa đò không xuể, bởi mỗi ngày có hàng trăm người tụ hội về đây bái lạy, đông nhất là thời điểm vừa tìm thấy pho tượng Phật vùi sâu dưới lòng đất”.
Bà Nguyễn Thị Son (SN 1945, quê Kiên Giang) chia sẻ: “Nghe đồn, nơi đây xuất hiện tượng Phật rất thiêng, có thể cứu độ chúng sinh nên tôi cố gắng lặn lội đường xa đến để khẩn cầu cho đứa con gái mắc chứng bệnh ung thư mong tai qua nạn khỏi. Không biết kết quả ra sao, nhưng từ mấy ngày qua dân làng hết lời truyền tụng rằng Phật hiển linh lắm, tin là sẽ được”.
Tương tự, vợ chồng anh Thạch Lil (SN 1973, quê Trà Vinh) cũng tìm đến để cúng lạy sinh con. Anh Lil cho biết: “Vợ chồng tôi bị hiếm muộn, đã đi rất nhiều bệnh viện điều trị nhưng đều vô vọng. Được một người hàng xóm giới thiệu, chỉ dẫn nếu thành tâm khấn lạy, Phật sẽ phù hộ đúng theo ý nguyện của mình nên mấy ngày qua tôi bỏ hết việc đồng áng, vượt hàng trăm cây số đến đây”.
Hay một trường hợp khác, ông Trần Văn On (SN 1960, quê Cà Mau) đến lạy Phật để xin thắng kiện trong một vụ tranh chấp đất. Oái ăm hơn, nhiều con sâu cờ bạc cũng tìm đến “ép” Phật cho số đánh lô đề hay “xin” thắng cá độ bóng đá, hoặc ban “phép” cho tìm được người thân thất lạc...
Nhiều hộ dân sống quanh khu vực này bày tỏ lo ngại, hàng tháng nay, đời sống của người dân địa phương luôn cảm thấy bất an. Quán xá ven đường cứ đua nhau mọc lên, cảnh đưa đò theo kiểu tự phát cũng ngang nhiên diễn ra gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Chưa kể người hiếu kỳ ùn ùn kéo đến xem, thắp hương, cúng tiền,... nên gia đình cụ Của đã lập mái che, dựng tượng Phật ngay sát vị trí tìm thấy trên phần đất của mình. Ngoài đầu kênh 13 (giáp kênh Xáng Giá Rai – Vĩnh Thuận) nhiều người chèo đò tấp nập đưa khách vào vuông nuôi tôm của cụ Của (cách đó khoảng 2km) với giá 15 đến 20 nghìn đồng/người!
Chỉ là tin đồn nhảm
Qua quan sát khu đất rộng mênh mông của cụ Của, tượng Phật cao khoảng 1,6m, hiện được khoác chiếc áo màu vàng, luôn có người túc trực lo việc khói hương thờ cúng.
Ông Nguyễn Văn Trì (SN 1969, con trai thứ 8 của cụ Của) cho biết: “Đây là phần đất khẩn hoang của gia đình tôi từ hơn 50 năm nay. Ngày 26/12/2014, trong lúc thuê xe cuốc đất cải tạo vuông tôm thì người điều khiển phương tiện này hốt hoảng phát hiện bàn chân tượng Phật nên bỏ chạy lên bờ.
Sau đó, gia đình tôi tiếp tục lặn ngụp đào bới dưới lớp bùn quanh khu vực, thì tìm thấy thêm hai khúc đứt rời của tượng Phật. Lập tức các phần thân tách rời của tượng Phật này được gia đình vệ sinh sạch đưa lên bờ ráp lại rồi báo chính quyền địa phương và thờ cúng cho đến nay. Được biết tượng Phật nữ lạ này được tạc bằng đá Sa huỳnh”.
“Những ngày đầu tiên phát hiện tượng Phật, có hàng trăm người đến đây khấn lạy đông nghịt làm sạt lở cả bờ ruộng, gia đình tôi phải tự thuê người đắp lại. Chúng tôi chỉ có nguyện vọng được thờ cúng tượng Phật chứ hoàn toàn không có chuyện dựng tượng Phật để thu tiền người đến khấn lạy như dư luận phản ánh. Thậm chí, nhiều người mang trái cây, nhang đèn đến cúng Phật thì chúng tôi bảo họ mang về. Đồng thời, gia đình tôi phải phục vụ cả nước uống miễn phí”, ông Trì khẳng định.
Trao đổi với PV vào chiều cùng ngày, ông Dư Hoàng Lục, Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi A cho biết: “Công an địa phương đã cử cán bộ đến hiện trường giữ gìn trật tự, ổn định tình hình và báo cáo lãnh đạo địa phương”. Cũng theo chính quyền địa phương, đây chỉ là tin đồn nhảm của những người mê tín, đồng thời tuyên truyền người dân không truyền bá mê tín dị đoan và bị kẻ xấu lợi dụng làm phức tạp thêm tình hình.
Lúc đầu gia đình chủ đất nghe lời khuyên của chính quyền sở tại, đưa tượng Phật vào chùa, nhưng sau đó có ý giữ lại để lập nơi thờ cúng. Một góc phía dưới của bức tượng được nhóm làm công đập vỡ lúc mới phát hiện để kiểm tra xem có phải đồng đen hay không.
Đại diện Bảo tàng Bạc Liêu cũng cử cán bộ đến khảo sát, đề xuất cơ quan chức năng giám định kiến trúc, niên đại tượng Phật để có hướng xử lý. Trước mắt, ngành chức năng tích cực vận động gia đình mang tượng vào chùa thờ cúng, tín ngưỡng nhưng chưa có kết quả. Đến nay gia đình chủ đất vẫn giữ quan điểm muốn giữ lại tượng Phật để lập nơi thờ cúng.
Nhiều vị cao niên trong vùng nhận định: “Tượng Phật này đã có từ nhiều thế kỷ trước, phía sau tượng Phật còn có những dòng chữ đã bị mờ. Có thể ngày xưa nơi đây là vị trí của một miếu thờ bị vùi lấp, còn việc “phép màu” từ tượng Phật chỉ là tin đồn thất thiệt, mê tín, hoàn toàn không có cơ sở. Người dân còn vô tư đồn thổi là pho tượng Phật tự nhiên nổi từ lòng đất lên, tượng bằng đồng đen rất quý nên hàng ngày thu hút hàng nghìn người đến vuông nuôi tôm thuộc “Cánh đồng chó ngáp” khấn bái gây mất an ninh trật tự”.
Quản lý tượng cổ theo Luật Di sản Trao đổi về vụ việc, ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy huyện Hồng Dân cho biết, đang thuyết phục gia đình cụ Nguyễn Văn Của giao lại tượng Phật cổ cho ngành chức năng quản lý theo Luật Di sản. Gia đình cụ Của muốn được giữ lại thờ cúng nhưng đây là tượng cổ phải áp dụng đúng Luật Di sản. Tỉnh thống nhất giao cho ông Quảng Trọng Ninh, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu, dẫn đoàn đi thuyết phục gia đình. Nếu không thành công, thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục có đoàn vận động”. |