Những ngày qua, xuất hiện thông tin tiền đạo Công Phượng đã có quốc tịch Nhật Bản từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, thông tin trên mới chỉ dừng lại ở mức tin đồn và phía chính chủ chưa từng lên tiếng xác nhận thông tin này.
Dân Trí dẫn lời một số người bạn thân của Công Phượng cho biết, bản thân anh cũng bất ngờ với thông tin Công Phượng có quốc tịch mới.
Theo những người bạn của Công Phượng: "Việc Công Phượng có quốc tịch Nhật Bản gần như không có khả năng".
"Công Phượng cũng chưa hề chia sẻ cho tôi việc này, nên khi nghe tin Công Phượng đã có quốc tịch Nhật, tôi rất bất ngờ", một người bạn của Công Phượng tiết lộ.
Cũng theo phân tích của người này, nếu Công Phượng có quốc tịch Nhật Bản, anh buộc phải bỏ quốc tịch Việt Nam (trừ những trường hợp hết sức đặc biệt, người có quốc tịch Nhật Bản mới được giữ thêm quốc tịch khác). Nếu điều đó xảy ra, Công Phượng không thể khoác áo đội tuyển Việt Nam trong trận gặp Palestine hồi tháng 9 vừa rồi, ghi bàn trong trận đấu này.
Trong khi theo thông tin được một số kênh đăng tải ít ngày qua, Công Phượng có quốc tịch từ đầu năm 2023. Điều này bất hợp lý về mốc thời gian.
Phía CLB cũ của Công Phượng là HAGL cũng rất ngạc nhiên trước thông tin anh nhập tịch Nhật Bản.
Đại diện đội bóng phố núi cho biết: "Chúng tôi chưa hề nghe Công Phượng nói về chuyện cậu ấy có quốc tịch Nhật Bản hoặc muốn làm thủ tục xin quốc tịch ở đó”, theo báo Giao Thông.
Trong dịp FIFA Days tháng 9, Công Phượng được HLV Troussier gọi lên hội quân cùng đội tuyển Việt Nam.
Trong cuộc đọ sức với Palestine, “Messi Việt Nam” đã ghi được một bàn thắng và có màn thể hiện khá tốt.
Nhưng trong lần hội quân tháng 10 để chuẩn bị cho 3 trận giao hữu với Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc, nhà cầm quân người Pháp lại quyết định gạch tên anh ra khỏi danh sách.
Hiện Công Phượng chưa chính thức lên tiếng xác nhận hay phủ nhận tin đồn trên.
Kể từ khi gia nhập Yokohama FC vào đầu năm 2023 đến nay, Công Phượng mới chỉ được ra sân đúng 2 phút.
Thời gian còn lại anh chủ yếu phải ngồi dự bị hoặc không được đăng ký thi đấu cho đội bóng J-League 1.
Nhập tịch Nhật Bản có khó không? Để nhập quốc tịch Nhật Bản cần đáp ứng đủ các điều kiện sau: - Cần phải ở Nhật Bản hơn 5 năm liên tục. - Trên 20 tuổi, hoàn toàn có khả năng điều khiển nhận thức hành vi của mình theo quy định của pháp luật. - Cư xử đúng mực, không vi phạm bất kỳ chính sách nào theo quy định của chính phủ. Ví dụ: Đóng thuế đầy đủ, không có tiền án, tiền sự… - Những người nhập tịch phải có khả năng sống bằng tài sản của họ hoặc gia đình họ. Ví dụ: Các tài sản như bất động sản, tiền tiết kiệm,… sẽ phải được liệt kê để được xét nhập quốc tịch. - Sau khi nhập quốc tịch Nhật Bản, người nhập tịch không còn giữ quốc tịch của nước sở tại. Tuy nhiên cũng có những trường hợp được phép mang hai quốc tịch (Trường hợp thực sự đặc biệt). - Không tham gia lập kế hoạch tiêu diệt chính quyền Nhật Bản bằng bạo lực, đồng thời không tham gia tổ chức, đảng phái chính trị có chủ trương như vậy. - Phải là nhân vật đặc biệt xuất sắc trong một số lĩnh vực cụ thể, đặc biệt cần thiết cho nước Nhật. |
Thùy Dung (T/h)