+Aa-
    Zalo

    Thực hư câu chuyện rùng rợn về ngọn núi "ma ám"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Bao năm nay người dân bản Lèn Chờng không ai dám phạm vào lời nguyền từ núi “con lợn” cho đến một ngày “lưỡi” của con lợn con nằm trên máng nước bị đánh cắp...

    (ĐSPL) – Bao năm nay người dân bản Lèn Chờng không ai dám phạm vào lời nguyền từ núi “con lợn”, cho đến một ngày “lưỡi” của con lợn con nằm trên máng nước bị đánh cắp…

    Lợn đá báo oán khi bị mất “lưỡi”?

    Bao năm đã qua đi nhưng người già tại thôn Thanh Xuân (xã Xuân Thái, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện kinh hãi về núi “con lợn” báo oán cùng những lời đồn rùng rợn.

    Clip: Những hình ảnh tuyệt đẹp trong hang động ở núi Con Lợn.

    Có mặt tại thôn Thanh Xuân chúng tôi hỏi thăm và được người dân địa phương chỉ đường tới ngọn núi có cái tên độc đáo này. Trước mắt PV là một ngọn núi đá sừng sững, điều đặc biệt là trên đỉnh núi có một hòn đá mà vào mỗi buổi chiều tà ngả bóng, nhìn từ hướng Tây bắc lên trông rất giống hình con lợn đang nằm.

    “Trước đây, núi “con lợn” linh thiêng có tiếng. Mỗi buổi chiều tà hễ cứ có ai đi vào rừng ngang qua bóng núi hay qua hang nằm ở phía bắc (người dân cho rằng đây là miệng của núi “con lợn” - PV) thì về nhà sẽ bị đau ốm hoặc có thể hóa điên. Nếu không nhờ thầy cúng làm lễ hóa giải theo phong tục của người dân tộc Thái thì khó có thể qua khỏi được…” - ông Nguyên (trưởng thôn Thanh Xuân, xã Xuân Thái) chia sẻ.

    Nằm trên đỉnh núi là ngọn núi có hình thù giống con lợn con.

    Ngày xưa, trong một hốc hang ở giữa lưng chừng của ngọn núi có một cái chiêng rộng 40cm, cao chừng 7- 8cm, chiêng có hình tròn chóp u và được làm bằng đồng đỏ, được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Nhiều người đồn đoán rằng, chiếc chiêng đã được yểm bùa và được xem như là chiếc lưỡi của con lợn nên rất khó phát hiện ra cửa hang - nơi cất giấu chiếc chiêng cổ.

    Theo lời kể lại của dân làng vào tầm những năm 70 của thế kỷ XX, trong bản có ông Lò Viết Thắng đi săn thú rồi vô tình lạc vào hang sâu, phát hiện trong hang có chiếc chiêng đẹp liền mang về nhà cất giữ. Chỉ được một thời gian sau thì hai người con ông Thắng (một trai, một gái) đột nhiên chết mà không hiểu căn nguyên. Thấy vận đen vào nhà, ông Thắng đi xem bói thì bị ông bà hiện lên quở trách nên ông này phải mang trả lại đồ vật.

    Khi vận đen nhà ông Thắng chưa được hóa giải thì anh rể ông Thắng là anh Quách Văn Tiến lại tới đúng vị trí ông Thắng mới đặt trả cổ vật lúc trước nhặt chiếc chiêng mang về nhà. Không lâu sau, em trai ông Tiến chết khi mới tròn 25 tuổi. Sự việc chưa kết thúc ở đó, bố đẻ ông Tiến bị ốm liệt giường, khi tỉnh dậy lại suốt ngày kể về hòn đá “con lợn”. Quá hoảng sợ, ông Tiến đã mang chiếc chiêng cổ đặt trả lại chỗ cũ.

    Những năm sau đó, ông Lê Văn Đoàn (khi đó gần 40 tuổi) lại lấy chiếc chiêng về và mang xuống vùng Nông Cống bán. Không ai hiểu lý do vì sao nhưng chỉ sau một thời gian ngắn chiếc chiêng lại trở về hang núi.

    Những câu chuyện mà người dân truyền tai nhau khoác lên núi “con lợn” mang màu sắc liêu trai đầy huyền bí. Đã có thời gian, người dân không ai dám qua đây khiến cho khu vực này trở nên rậm rạp, cây cối và cỏ dại mọc đầy.

    Về sau có người trong làng đi xem bói thì được một ông thầy cho biết: Chiếc lưỡi của con lợn đá trước đây đã được một ông thầy mo trấn yểm để bảo vệ ngọn núi, không ai có thể xâm phạm đến ngọn núi và con lợn đá trên núi. Từ khi biết chuyện, tuyệt nhiên không còn ai dám đến gần hoặc đi qua cửa hang, phần phía trước mặt con lợn đá trên ngọn núi khi bóng chiều ngả xuống.

    Thực hư những câu chuyện liêu trai xung quanh ngọn núi

    Tiếp chuyện chúng tôi, ông Vi Văn Bành (Bí thư chi bộ thôn Yên Vinh) kể rằng: Ngôi làng ngày xưa có tên là Lèn Póot (theo tiếng của người dân tộc Thổ), còn theo tiếng của người dân tộc Thái là Lèn Chờng, có nghĩa là xếp tầng lên trên nóc, xếp giống như cách xếp hình con lợn trên ngọn núi vậy… Ngày nay vì dân cư đông và một phần cũng là do yếu tố địa lý nên làng Lèn Chờng khi xưa được tách ra làm hai thôn là thôn Thanh Xuân và thôn Yên Vinh.

    Những lời đồn rùng rợn về ngọn núi
    Ông Vi Văn Bành (Bí thư chi bộ thôn Yên Vinh) đã dọn nhà ra khu vực gần ngọn núi "con lợn" ở từ nhiều năm nay.

    Theo lời ông Bành, “trên đỉnh núi “con lợn”, có một hòn đá hình thù giống con lợn con nằm trên một tảng đá lớn. Cứ mỗi buổi chiều tà, khi ánh mặt trời đổ bóng, người dân nhìn thấy bóng con lợn con in xuống đất. Thuở trước vì xuất hiện một số hiện tượng xảy ra ngẫu nhiên vào thời điểm tại họa ập lên những người từng  xâm phạm vào lãnh địa của núi hoặc lấy đồ vật trong hang nên mọi người cứ nghĩ là có ma ám.

    Nhưng từ khi tách khẩu, do làng hết đất, tôi ra đây ở (vị trí phía trước có thể nhìn lên khu vực hang đá và dưới bóng của núi “con lợn”- PV) nhưng vẫn chưa hề thấy có hiện tượng gì lạ xảy ra. Ngày trước có người bảo từng nghe thấy tiếng khua luống rất lạ vang ra từ một trong số các hang núi (ngọn núi có rất nhiều hang động - PV), ai cũng sợ. Nhưng có người bạo gan tìm đến thì thấy có hai con cào cào hai chân đạp vào nhau tạo ra thứ âm thanh kỳ quái đó thôi chứ không thấy có ma gì cả…”.

    “Vì thấy các hang ở đây có rất nhiều nhũ đá hình thù đẹp nên chúng tôi đã có đề xuất với lãnh đạo địa phương cho bịt một số cửa hang đẹp lại để bảo vệ. Vì phía Đông Nam ngọn núi nhiều người vào khai thác phân dơi làm phân bón, rồi thì thanh niên bản vào đập phá làm hư hỏng rất nhiều. Nghe nói ở trong hang có nguồn đất có thể chế tác thành diêm sinh nên từ thời kỳ Pháp thuộc đã bị chiếm đóng và khai thác, sau này trong thời kỳ chiến tranh, quân đội ta cũng đã rất vất vả để bảo vệ…” - ông Bành chia sẻ.

    Những lời đồn rùng rợn về ngọn núi
    Nhũ đá bên trong hang núi có hình thù tuyệt đẹp.

    Ông Chu Văn Toán (phó chủ tịch UBND xã Xuân Thái) cho biết: “Đã có rất nhiều lời đồn đoán về sự huyền bí của núi “con lợn”. Tuy nhiên mọi việc cũng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên chứ không có cơ sở nào chứng minh là ngọn núi này báo oán cả. Lãnh đạo địa phương chúng tôi thấy trong hang động của ngọn núi có nhiều hình thù đẹp nên vừa cắt cử người bảo vệ vừa làm báo cáo trình lên cấp trên để có kế hoạch khai thác tiềm năng du lịch tại đây”.

    Câu chuyện về núi “con lợn” ở xã Thanh Thái khoác lên mình sự kỳ bí, đầy màu sắc liêu trai. Trước đây không ai dám đi lại thường xuyên qua cửa hang vào mỗi buổi chiều tà nhưng từ khi thấy ông Bành (hiện đang là Bí thư chị bộ) dựng nhà ra đấy ở mà vẫn bình an, nhiều thanh niên sau khi lập gia đình cũng theo gương ông Bành ra đây dựng nhà sinh sống. Tuy nhiên, theo phong tục địa phương, họ vẫn thường xuyên thắp hương thờ cúng sơn thần ở núi “con lợn”. Hiện tại, khu vực phía Đông Bắc đã được bịt kín để bảo vệ các hang núi trước sự xâm hại của con người.

    Hoàng Giáp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuc-hu-cau-chuyen-rung-ron-ve-ngon-nui-ma-am-a19471.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan