Quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga nói chung, quan hệ kinh tế giữa hai nước nói riêng được kế thừa từ quan hệ truyền thống hữu nghị Việt Nam – Liên Xô (1950-1991). Trong suốt thời kỳ Việt Nam tiến hành các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ toàn diện của Liên Xô về các mặt chính trị, kinh tế, kĩ thuật, quân sự. Trên lĩnh vực kinh tế, với sự hỗ trợ của Liên Xô, các ngành chủ chốt của nền kinh tế quốc dân Việt Nam như năng lượng, công nghiệp, đã được xây dựng và không ngừng phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến thiết đất nước.
Năm 1991, Liên bang Xô viết sụp đổ, Liên bang Nga hình thành và kế thừa vị trí của Liên Xô trong quan hệ quốc tế. Quan hệ kinh tế song phương Việt Nam – Liên bang Nga cũng được hình thành từ đó, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu vì hai nước chưa xác định được khuôn khổ hợp tác mới thời kỳ hậu Xô viết.
Bước sang đầu thế kỷ XXI, sự chuyển biến của tình hình mỗi nước đã tạo ra những động lực mới cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, trong đó có hợp tác kinh tế. Là hai nước bạn bè truyền thống, cùng có nền kinh tế chuyển đổi, độ tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau cao, trong quan hệ kinh tế, Việt Nam và Liên bang Nga đã tìm được những phương cách mới và áp dụng chúng một cách linh hoạt, phong phú, đa dạng hơn trước nhằm đạt được lợi ích thiết thực hai bên cùng có lợi.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin, năm 2001, Việt Nam và Liên bang Nga đã ra Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược. Khuôn khổ hợp tác mới này mang đến một luồng sinh khí mới cho sự phát triển quan hệ hai nước. Nhờ lực đẩy về chính trị - ngoại giao, quan hệ kinh tế Việt –Nga ngày càng có những thay đổi tích cực. Các lĩnh vực thương mại, đầu tư và hợp tác năng lượng dầu khí được coi là trọng tâm trong quan hệ kinh tế song phương Việt - Nga.
Việt Nam và Liên bang Nga đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Hai nước cũng đã nâng tầm quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012, thể hiện sự gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi. Tháng 10/2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) chính thức có hiệu lực, góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương Việt - Nga phát triển lên một bước cao hơn.
Về thương mại, ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu có hiệu lực từ năm 2016, thương mại song phương đã bứt tốc mạnh mẽ, tăng gấp đôi trong giai đoạn 2016-2021, tương ứng với mức tăng trưởng thường niên khoảng 10-15%, và đạt hơn 5,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng gần 90% so với năm 2016; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 3,2 tỷ USD, tăng 100% so với năm 2016. Mặc dù chịu tác động của tình hình bất ổn trên thế giới và khu vực, kim ngạch thương mại vẫn đạt 3,55 tỷ USD vào năm 2022 và hơn 3,6 tỷ USD vào năm 2023.
Theo thống kê của Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương), trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên đạt 1,96 tỷ USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 955,6 triệu USD, tăng 44,7%. Nhập khẩu từ Nga về Việt Nam đạt 1 tỷ USD, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Các nhóm hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có tăng trưởng cao gồm hàng thủy sản đạt 76,4 triệu USD, tăng 87,8% so với cùng kỳ năm 2023; hạt điều đạt 28 triệu USD, tăng 82,4%; hạt tiêu đạt 12,5 triệu USD, tăng 96,2%; hàng dệt may đạt 320,8 triệu USD, tăng 97,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 90,1 triệu USD tăng 102%.
Ở chiều ngược lại, những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu tăng mạnh từ Nga gồm quặng và khoáng sản các loại đạt 9,7 triệu USD, than các loại, hóa chất, phân bón các loại, kim loại thường khác, linh kiện, phụ tùng ô tô...
Về đầu tư Nga đã có gần 200 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn gần 1 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam tại Nga tăng mạnh, từ chỗ chỉ khoảng 100 triệu USD vào đầu những năm 2000 đã lên mức 3 tỷ USD năm 2023.
Điểm nhấn quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí. Hai bên đã hợp tác tốt và hiệu quả trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí không chỉ ở thềm lục địa Việt Nam mà cả ở lãnh thổ Liên bang Nga với các dự án lớn.
Ngoài liên doanh Vietsovpetro là lá cờ đầu trong hợp tác dầu khí, hai bên đã có thêm những liên doanh khác đang hoạt động tích cực ở cả hai nước. Bên cạnh đó, có thể kể đến nhiều thương hiệu Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh và có thị phần nhất định tại Nga, như: TH true Milk, King coffee, Viet House, Nafood, Sabeco…
Tầm nhìn trong giai đoạn mới
Có thể nói, quan hệ kinh tế Việt - Nga được kết nối từ quá khứ đến hiện tại, được thúc đẩy bởi quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp. Mối quan hệ hợp tác này đã có sự thay đổi tổng thể, chuyển từ nguyên tắc ý thức hệ sang nguyên tắc tin cậy lẫn nhau và bình đẳng cùng có lợi.
Tuy nhiên, dù đã đạt được kết quả tích cực, song hợp tác kinh tế giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mỗi nước, với quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện, hiệu quả hợp tác kinh tế chưa đạt tầm với mục tiêu chính trị đề ra.
Trong Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga đến năm 2030 được thông qua tháng 11/2021, hai nước tiếp tục khẳng định hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, sẽ nỗ lực mở rộng hơn nữa hợp tác trên cơ sở cùng có lợi, quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong quá trình hợp tác.
Nhằm đạt được mục tiêu đó, Việt Nam và Nga khẳng định sẵn sàng nâng cao hiệu quả triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á - Âu và các nước thành viên theo hướng tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa bên cạnh những ưu đãi đã có trong Hiệp định, bao gồm tháo gỡ rào cản phi thuế quan nhằm bảo đảm kim ngạch trao đổi thương mại tăng trưởng cân bằng bền vững.
Hai nước khuyến khích đầu tư song phương vào Việt Nam và Nga trên các lĩnh vực truyền thống và mới, như năng lượng điện, bao gồm điện tái tạo, công nghiệp, khai khoáng, công nghệ cao, giao thông vận tải, phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông nghiệp, lâm nghiệp; hỗ trợ nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Tổ công tác cấp cao Việt-Nga về các dự án đầu tư ưu tiên.
Tăng cường hợp tác trên lĩnh vực năng lượng và dầu khí, là trụ cột quan trọng hàng đầu của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, hỗ trợ mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực triển vọng như xây dựng nhà máy điện khí, cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng cho Việt Nam và xây dựng hạ tầng phù hợp, phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu động cơ, cũng như hiện đại hóa các cơ sở năng lượng.
Tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của doanh nghiệp dầu khí Việt Nam tại Liên bang Nga và doanh nghiệp dầu khí Nga tại thềm lục địa Việt Nam, cũng như triển khai các dự án chung tại các nước thứ ba, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và pháp luật Việt Nam và Nga.
Tăng cường hợp tác công nghiệp, bao gồm triển khai tại Việt Nam các cơ sở sản xuất lắp ráp phương tiện vận tải động cơ của Nga và từng bước nội địa hóa sản xuất.
Tăng cường hợp tác nông, lâm nghiệp nhằm tận dụng thế mạnh của cả hai nước, thúc đẩy trao đổi thương mại nông, thủy, hải sản.
Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tài chính - tín dụng, cụ thể gồm thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán, tăng cường kết nối hai hệ thống thanh toán quốc gia, tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai hệ thống ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước; tích cực phát huy vai trò của Ngân hàng liên doanh Việt-Nga trong triển khai các dự án hợp tác chung.
Khuyến khích hợp tác trực tiếp giữa các tỉnh, thành của Việt Nam với các chủ thể của Liên bang Nga, bao gồm hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và vùng Siberia và Viễn Đông của Nga.