Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho biết, sự kiện này rất có ý nghĩa đối với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ. Từ 1989 đến nay, các nhà đầu tư Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam 16,7 triệu USD, trong đó 54 dự án còn hoạt động tại Việt Nam với lượng vốn đăng kí cấp mới là 13,7 triệu USD; 50 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị là 2,6 triệu USD. Các lĩnh vực tập trung của nhà đầu tư Ấn Độ là: bán buôn, sửa chữa máy móc, thiết bị; Dịch vụ thông tin và truyền thông; Khoa học và công nghệ.
Ấn Độ hiện cũng là thị trường tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam. Hiện có 2 hãng hàng không của Việt Nam khai thác đường bay thẳng Hà Nội đi Ấn Độ là Vietjet Air và Vietnamairlines, cùng với chính sách visa ngày càng thông thoáng, đây cũng là điều kiện thuận lợi để tăng cường lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam trong thời gian tới.
Cũng tại hội thảo, ông Trần Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi khẳng định, thời gian qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Ấn Độ đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Ấn Độ được Việt Nam xác định là thị trường quan trọng tại khu vực Nam Á và trên thế giới. Đáng lưu ý, trong năm 2022, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt mức 15 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 7,9 tỷ USD, tăng 26,7% so với 2021; Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn đạt xấp xỉ 7,1 tỷ USD, tăng 1,7% so với năm 2021.
Với 150 đại biểu hai nước tham gia sự kiện, đây là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp Ấn Độ nghiên cứu tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Và cũng nhằm cho doanh nghiệp hai bên tiếp cận tìm kiếm đối tác tiềm năng, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.
Phát biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Ranjeet Mehta – Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD, Ấn Độ cho biết, Việt Nam là đất nước có môi trường đầu tư hấp dẫn. Việt Nam là một trong những quốc gia mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội lớn về sản xuất, xuất khẩu và thành lập chuỗi sản xuất của mình sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Có thể nói, việc gặp gỡ và chia sẻ giữa doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ lần này là một hoạt động thiết thực để hai bên có thể giới thiệu, trao đổi và tìm kiếm đối tác, xúc tiến thương mại, đầu tư một cách hiệu quả.
Với thế mạnh về các nghành công nghệ thông tin, sản xuất, kỹ thuật công nghiệp là những ngành chính được ưu tiên đầu tư tại Việt Nam, Ấn Độ kỳ vọng hai quốc gia sẽ tạo sự kết nối tốt hơn giữa các doanh nghiệp, mở ra cơ hội hợp phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển của đôi bên.
Trung Dũng