+Aa-
    Zalo

    Thừa Thiên - Huế: Nhiều di tích đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dù được công nhận là di tích cấp Quốc gia nhưng có rất nhiều di tích tuổi đời hàng trăm năm ở Huế đang “chết” dần theo thời gian và có nguy cơ bị "xóa sổ".

    (ĐSPL) - Dù được công nhận là di tích cấp Quốc gia nhưng có rất nhiều di tích tuổi đời hàng trăm năm ở Huế đang “chết” dần theo thời gian và có nguy cơ bị xóa sổ. Bởi, sự tàn phá của con người và môi trường đang vô tình đánh mất những giá trị tâm linh, giá trị văn hóa đặc sắc.

    Theo tìm hiểu được biết, đầu năm 1890, vua Thành Thái đã xây dựng tại khu mộ 3 đời vua An Lăng (gọi là Lăng Dục Đức - PV), làm nơi chôn cất, thờ cúng vua cha Dục Đức, vị vua thứ 5 của triều đại nhà Nguyễn, sau này cũng trở thành điện thờ hai vị vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân. Đây là một di tích lăng tẩm thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế quản lý, được tọa lạc tại đường Duy Tân, phường An Cựu, TP Huế (Thừa Thiên - Huế).


    Phía trước cửa Tam quan giờ đã hoang tàn, đổ nát, cỏ dại mọc um tùm.

    Được biết, khu lăng Dục Ðức là toàn bộ quần thể kiến trúc nằm trong khu đất rộng gần 6 ha, bao gồm lăng vua Dục Ðức, hoàng hậu và 42 tấm mộ ông hoàng bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của những người thuộc Ðệ Tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc (hệ phái của vua Dục Ðức - PV).

    Đây là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật trong hệ thống công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn ở Huế. Đến năm 1995, khu di tích An Lăng được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế.

    Khu mộ vua Dục Ðức và Hoàng hậu Từ Minh bên nhà Huỳnh Ôc cũng đã bị hư hỏng nặng do không được trùng tu, sửa chữa phải chống đỡ bằng trụ gỗ.

    Sau hơn 100 năm tồn tại, khu lăng mộ này bị xâm hại và đổ nát trước khung cảnh hoang tàn, xuống cấp nghiêm trọng, có khả năng trở thành phế tích khu lăng mộ 3 đời này.

    Ngay từ đầu con đường Duy Tân dẫn vào khu lăng mộ An Lăng, chúng tôi phải chú ý lắm mới thấy được phiến đá chỉ dẫn đường vào đã nứt mẻ. Ngay phía cổng chính bước vào điện Long Ân nhiều phiến đá trước cổng đã bị bung ra, tường bị thủng nhiều đoạn.

    Tại chính điện, được thiết kế theo kiểu công trình khuôn mẫu của các ngôi điện ở Huế, phía trung tâm khu lăng mộ, là nơi đặt án thờ bài vị 3 vị vua: Dục Đức và vợ (ở giữa), Thành Thái (bên trái) và Duy Tân (bên phải). Thế nhưng, những trụ cột đã vỡ vụn từng mảng, bị bong tróc, mục nát phải sử dụng chằng chịt các trụ sắt để chống đỡ.

    Còn phía sau điện Long Ân được bao bọc bởi tường thành, trước đây là chốn hậu cung của các bà vợ vua, nay là nơi an nghỉ của nhiều ông hoàng bà chúa như vợ, mẹ, anh em của vua Duy Tân cùng một số hoàng thân. Tuy nhiên, giờ đây cũng bị người dân lấn chiếm, xây dựng nhà ở, phòng trọ sinh viên, có khu vực còn trở thành vườn ươm và trở thành hoang phế từ lâu nay. Đặc biệt, có 4 căn nhà mái tôn tạm bợ của người dân dù đã có kế hoạch di dời nhưng hiện vẫn đang bỏ ngỏ. Họ vẫn chịu cảnh sống “bám víu” trên di tích khi nhà cửa không được phép sửa sang cải tạo.

    Cỏ cây mọc um tùm khắp khu lăng mộ, phía gần khu lăng mộ có 4 căn nhà được lợp mái tôn vẫn còn tồn tại trong khuôn viên di tích.

    Chưa hết, tại khu điện Long Ân, để đến được khu tẩm mộ rộng gần 1 ha phía sau điện, chúng tôi đã phải đi vòng theo con đường nhỏ ở phía sau dãy nhà làm than cách điện Long Ân hơn 50m theo sự chỉ dẫn của người dân sống quanh khu vực này.

    Đập vào mắt chúng tôi, khu tẩm mộ đã rơi vào cảnh hoang phế, đổ nát, cửa vào phía trong đã bị khóa và bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Phía ngoài có hai trụ cấm giới hạn khu lăng mộ cũng đã bong tróc và bị che khuất bởi những hàng keo tràm của người dân trồng.

    Phía ngoài khu tẩm mộ có hai trụ cấm giới hạn khu lăng mộ, đã bong tróc và bị che khuất bởi những hàng keo tràm.

    Một người bán cơm sống cạnh khu lăng mộ cho biết: “Gia đình tôi về sống ở khu vực này cũng hơn 10 năm nay, hồi đó chỉ có một người thuộc dòng dõi, họ hàng của vua bảo vệ nên không cai quản hết lăng tẩm. Tuy nhiên, hơn 7 năm trở lại đây đã có đội ngũ bảo vệ lăng túc trực, nhưng vẫn thu hút rất ít du khách đến tìm hiểu và tham quan khu di tích này. Lâu lâu mới có một đoàn vài người tới tham quan nhưng họ cũng về sớm vì nó đã hoang tàn, cỏ dại mọc um tùm quá rồi”.

    Một góc những khu lăng tẩm bị chôn dấu bởi cây cối, cỏ dại um tùm và bị xiêu vẹo.

    Ông Thọ - một trong những nhân viên quản lý, bảo vệ lăng cho biết: “Từ lâu, lăng này ít du khách tới thăm nên cửa vào khu lăng mộ hay chính điện Long Ân đều phải khóa để bảo vệ, chỉ khi có du khách yêu cầu tham quan mới mở cửa. Vì đã lâu không được trùng tu, sửa chữa nên cũng chịu nhiều hư hại theo thời gian, bảo vệ lăng cũng thường xuyên cắt cỏ dại trong khu An Lăng để thể hiện sự tôn nghiêm của di tích.

    Hiện nay, An Lăng đang mở cửa cho du khách tham quan không thu phí nhưng nghịch lý thay lại luôn vắng bóng du khách, đứng trước nguy cơ bị quên lãng theo năm tháng. Không chỉ có vậy, phía ngoài cổng vào An Lăng hàng ngày là nơi bán hàng ăn uống và tập trung chọi gà của một số người dân địa phương làm mất đi vẻ tôn nghiêm, giá trị của di tích”.

    Nhếch nhác cảnh bán hàng rong hàng ngày ngay trước đường vào khu di tích An Lăng, làm mất đi vẻ linh thiêng của lăng.

    Tin tức từ ông Đoàn Đình Lương, Phó Chủ tịch UBND phường An Cựu, TP Huế cho hay: “Hiện tại, trong địa bàn của phường có 2 di tích văn hóa lịch sử trong đó có An Lăng, nhưng theo thời gian đã có dấu hiệu xuống cấp. Về phía địa phương cũng đã nhận được nhiều đơn phản ánh của người dân sống trong khu vực di tích về nguy cơ sụp đổ gây ra nguy hiểm. Tuy nhiên, về thẩm quyền tu bổ các công trình di tích này thuộc về Trung tâm Bảo tồn Di tích chứ phường không có thẩm quyền để giải quyết.

    Ngay từ đầu năm nay, lãnh đạo phường đã có báo cáo gửi lên trên, nhưng vẫn chưa nhận được chủ trương gì. Thêm vào đó là một số khó khăn nữa, do người dân ở đây chưa được cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà của họ, mà chuyển đi thì khó nhận được tiền đền bù”.

    Bức tường xây bằng gạch của vòng tường thành phía ngoài đang xiêu vẹo, nứt toác, dù có những chân trụ bằng sắt nhưng chúng có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

    Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Khu di tích An Lăng đã có chủ trương tu sửa từ lâu, tuy nhiên chỉ tu bổ những hạng mục nhỏ để đảm bảo an toàn cho di tích này. Theo chủ trương hiện tại, chỉ tập trung trùng tu những công trình lớn đặc biệt nằm trong Kinh thành Đại nội Huế và các lăng chính, những di tích còn lại chỉ có phương án tu sửa nhỏ hàng năm.

    Đặc biệt, một trong những di tích quan trọng nhất là Văn Miếu hiện nay vẫn chưa triển khai được. Tuy nhiên, khu vực di tích An Lăng cũng nằm ngay trung tâm, nhưng di tích này không nằm trong ưu tiên số 1 nên chỉ áp dụng tu sửa để kiên cố các hạng mục.

    Về việc di dời nhà của các hộ dân ở khu vực An Lăng đã có trong kế hoạch, tuy nhiên do “vướng” vào quỹ đất nên chưa thực hiện được để đảm bảo cuộc sống cho bà con. Theo đó, nguồn đầu tư không phải là do Trung tâm quyết định mà phải phụ thuộc vào nguồn đầu tư vào đâu, công trình nào dựa vào Sở Kế hoạch và Đầu tư, và do UBND tỉnh chỉ đạo”.

    Phi Hoàng - Phạm Trường

    [mecloud]qU2qTDuUql[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thua-thien---hue-nhieu-di-tich-dung-truoc-nguy-co-bi-xoa-so-a118774.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.