(ĐSPL) - Hệ thống tường thành kinh thành Huế là một trong những di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993. Hiện nay vẫn còn rất nhiều người dân sinh sống, dựng nhà cửa ngay trên các bờ thành này.
Cũng vì thế mà cảnh quan di tích bị xâm hại, chất lượng cuộc sống của người dân sống ở đây không được đảm bảo. Trong khi đó, công tác bố trí, di dời tái định cư vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.
Tường thành kinh thành Huế dài hơn 10km. Theo thống kế có khoảng 2800 hộ với hơn 10000 người đang sống trên các tường thành, tập trung nhiều ở khu vực Thượng Thành – Eo Bầu. Những hộ dân này thuộc các phường nội thành như Thuận Lộc, Thuận Thành, Thuận Hòa, Tây Lộc, Phú Bình, Phú Thuận và Phú Hòa, TP Huế (Thừa Thiên – Huế). Đa số họ là những hộ nghèo, làm nghề chạy xích lô, xe thồ, buôn bán nhỏ lẻ...
Hàng nghìn hộ dân đang sống, dựng nhà cửa ngay trên tường thành của cụm di tích Kinh thành Huế |
Anh Nguyễn Văn Đay, một người sống lâu năm trên bờ thành thuộc phường Thuận Thành, TP Huế cho biết: “Hiện tại gia đình tôi phải dùng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan. Ở đây, do nằm trong khu vực giải tỏa nên nước sạch không kéo lên. Nguyện vọng của chúng tôi là mong muốn nhà nước nhanh chóng di dời để có thể an cư lạc nghiệp”.
Có mặt tại khu vực bờ thành thuộc tổ dân phố 17, phường Thuận Lộc, PV chứng kiến những ngôi nhà tạm nằm san sát, chen chúc. Trong đó, có ngôi nhà của hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Bính, nói là nhà cũng không đúng, bởi đó chỉ là một căn gác dựng bằng gỗ và tôn, rộng khoảng 4m2 và được dẫn lên bằng một chiếc cầu thang mục nát. Được biết, đây là nơi cư ngụ của 4 thành viên trong gia đình.
Để lên xuống tường thành người dân xây và dựng những cầu thang |
Ông Nguyễn Ngọc Khuê, tổ trưởng tổ dân phố 17 chia sẻ: “Tôi thấy đó giống cái chuồng chim hơn. Ở đấy vừa chật chội, vừa nguy hiểm. Nhiều hộ vì nhà chật quá nên nhà vệ sinh sát ngay chỗ sinh hoạt của gia đình”.
|
Về vấn đề này, chị Hồ Thị Nhã Phương, Cán bộ địa chính phường Thuận Thành, TP Huế cho biết, vì sống ở khu vực đang giải tỏa nên người dân không được phép xây dựng nhà cửa, chỉ được sửa chữa, gia cố thêm nên có nhiều ngôi nhà trở nên xập xệ, cũ nát.
Nhiều hộ gia đình sống trong những ngôi nhà dựng bằng tre nứa, ni-long, tấm cót. Rác sinh hoạt, nước thải của người dân từ trên bờ thành xả thẳng xuống con kênh bao bọc kinh thành Huế. Từ đó gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, nhếch nhác, làm mất mỹ quan di sản.
Những ngôi nhà lụp xụp được dựng bằng tre nứa, ni-long, tấm cót |
Trao đổi với PV, Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, phía trung tâm đang phối hợp với UBND TP Huế, cụ thể là Ban đền bù giải tỏa để giải phóng khu vực này. Công việc này có hai phần: trước mắt là tu bổ lại bộ mặt nam của kinh thành, chỗ từ cửa Thượng Tứ đến đầu góc phía Nam. Tiếp theo là việc giải phóng 3 mặt Thượng thành còn lại. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đang gặp phải hiện nay là không có nguồn vốn để thực hiện.
“Đây là một kế hoạch lâu dài. Về phía trung tâm, chúng tôi đang cố gắng hết sức để huy động các nguồn vốn, từ đó mới có đủ lực để giải quyết được”, Tiến sĩ Phan Thanh Hải chia sẻ thêm.
Hiện nay, nhiều người dân sống ở đây đang thấp thỏm, lo âu không biết đến khi nào mới được an cư để lạc nghiệp. Trong khi, nhà cửa của họ ngày càng xuống cấp, hư hỏng, dột nát .Những bức tường thành rêu phong thì đang ngày càng xuống cấp kêu cứu.
Một số hình ảnh về khu dân cư sống cạnh di tích:
Anh Đay, một hộ dân sống trên tường thành chia sẻ: "Hiện nay chúng tôi vẫn phải dùng nước giếng khoan. Nguồn nước rất ít mà còn bị nhiễm phèn" |
Những ngôi nhà thường bị dột về mùa mưa, nóng bức, ngột ngạt về mùa nắng. |
Một góc sinh hoạt của người dân |
Nhà vệ sinh được người dân dựng ngay trên tường thành |
Rác sinh hoạt, nước thải của người dân từ trên bờ thành xả thẳng xuống con sông phía sau gây nên tình trạng nhếch nhác |