Sáng 19/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá chính xác tình hình, nguyên nhân tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan từ chính phía những người giải quyết công tác này và những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Cùng dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; lãnh đạo các bộ, ngành và 27 tỉnh, thành phố có khiếu kiện đông người, phức tạp.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhưng tình hình khiến kiện đông người, vượt cấp kéo dài còn diễn biến phức tạp. Do vậy, Chính phủ tổ chức hội nghị, triệu tập lãnh đạo 27 địa phương để cùng tìm nguyên nhân, giải pháp xử lý vấn đề.
Nhấn mạnh đến nguyên nhân từ phía chủ quan, Thủ tướng cho rằng, những cơ quan quản lý, chính quyền địa phương phải tự hỏi đã làm tròn trách nhiệm với dân trong vấn đề này hay chưa, nhất là Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, đã dành thời gian, công sức, lắng nghe từng vụ việc cụ thể hay chưa?. Từ việc xác định những nguyên nhân và tồn tại, các đại biểu cần nêu giải pháp, kinh nghiệm và những đề xuất với Trung ương.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gặp gỡ, đối thoại với nhân dân, Thủ tướng nêu thực tế trong một lần đi xử lý một vụ việc có gặp gỡ người dân và hỏi người dân có biết mặt Chủ tịch huyện hay không thì nhận được câu trả lời là chưa từng gặp Chủ tịch huyện này. Do đó, Thủ tướng yêu cầu đối thoại, gặp gỡ người dân, sâu sát cơ sở phải là văn hóa của lãnh đạo, chính quyền địa phương. Thủ tướng yêu cầu các địa phương báo cáo xem có họp hàng tuần để kiểm điểm tình hình giải quyết khiếu kiện của người dân hay không, có định kỳ tiếp dân hay không?.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng đặt vấn đề về các biện pháp xử lý những đối tượng cầm đầu, ngoan cố, kích động quần chúng nhân dân chống phá và có những hành vi vi phạm pháp luật.
Dẫn số liệu trong số 100 vụ khiếu kiện thì tới 95 vụ là khiến kiện về đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, Thủ tướng cho rằng phát triển kinh tế là cần thiết nhưng cần nghĩ tới quyền lợi tương xứng của người dân. Nếu không giải quyết thỏa đáng, đúng mức vấn đề này thì khó phát triển bền vững.
Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh dân địa phương nào đi khiếu kiện (vượt cấp) thì Chủ tịch, Bí thư địa phương đó phải chịu trách nhiệm đối thoại với dân.
TTXVN/Báo Tin tức