Bác sĩ Lê Văn Lâm – người truyền 15 lon bia cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu hồi cuối năm ngoái vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Bác sĩ Lê Văn Lâm - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. |
Theo Dân Việt, ngày 10/6, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị cho hay địa phương này vừa nhận được quyết định số 701/QĐ-TTg về việc tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 8 tập thể và 37 cá nhân trên địa bàn đã có thành tích trong công tác từ năm 2014-2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trong 37 cá nhân được khen có bác sĩ Lê Văn Lâm - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, người đã dùng 5 lít bia giải cứu bệnh nhân ngộ độc rượu thoát khỏi cái chết.
Chia sẻ về việc này, bác sĩ Lâm cho biết rất phấn khởi khi được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
“Đó là sự ghi nhận cho cả một quá trình mà tôi đã nỗ lực phấn đấu công tác, trong đó có thành công khi dùng bia cứu bệnh nhân ngộ độc rượu hồi cuối năm 2018”, bác sĩ Lâm cho hay.
Trước đó, theo Zing.vn, vào ngày 25/12/2018, bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, Triệu Phong, Quảng Trị) trong tình trạng hôn mê, nguy kịch.
Tại bệnh viện, sau khi xét nghiệm, kết quả cho thấy hàm lượng methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc.
Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ đã truyền ba lon bia tức 990ml vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Mỗi giờ tiếp theo, bệnh nhân được truyền thêm một lon bia. Sau khi truyền tổng cộng 15 lon bia, tức gần 5 lít, bệnh nhân dần bình phục, tỉnh táo. Ngày 9/1, ông Nhật đã xuất viện, sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Lâm giải thích, rượu có hai loại cơ bản là Etylic và Metylic (Methanol). Khi đi vào cơ thể, gan sẽ chuyển hóa Etylic trước, sau đó đến Metylic. Trong đó, Etylic được chuyển hóa sẽ không gây ngộ độc nhưng Metylic được chuyển hóa thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.
Bia có Etylic, vì vậy để ngăn chặn quá trình chuyển hóa Metylic, đội ngũ y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực- chống độc, bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã truyền bia cho bệnh nhân.
Khi truyền bia cho bệnh nhân Nhật, gan sẽ ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic, điều đó giúp có đủ thời gian để lọc máu. Hơn nữa, Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể, đây là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.
Thanh Tùng(T/h)