Ngày 26/2, báo Tin tức đưa tin, liên quan đến quyết định từ chức, trong một bài phát biểu, Thủ tướng Shtayyeh nhấn mạnh việc ông từ chức để tạo sự đồng thuận rộng rãi trong nội bộ Palestine về các thỏa thuận chính trị.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng cường nỗ lực làm xoa dịu cuộc xung đột tại Gaza và bắt đầu tập trung vào một cơ cấu chính trị để quản lý vùng đất này thời hậu xung đột.
"Tôi thấy rằng giai đoạn tiếp theo và những thách thức của nó đòi hỏi cách dàn xếp mới trên phương diện chính phủ và chính trị, có tính đến thực tế mới ở Gaza; đồng thời đòi hỏi sự cần thiết phải có đồng thuận trong nội bộ người Palestine, dựa trên sự thống nhất của người Palestine và việc mở rộng quyền lực của PA tới toàn lãnh thổ Palestine", Al Jazeera dẫn lời ông Shtayyeh
Về sự việc này, báo Dân trí cũng đưa tin tổng hợp từ Al Jazeera và AFP cho biết, hiện vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Palestine Abbas có lập tức chấp nhận đơn từ chức hay sẽ đợi cho đến khi có Thủ tướng mới được bổ nhiệm.
Truyền thông quốc tế cũng nhấn mạnh, tuyên bố của ông Shtayyeh xuất hiện trong bối cảnh một số quốc gia, trong đó có Mỹ, đang kêu gọi Tổng thống Abbas cải tổ PA và bắt đầu xây dựng hệ thống chính trị có thể nắm quyền quản lý một nhà nước Palestine sau khi chiến tranh ở Gaza kết thúc.
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần phản đối lời kêu gọi cho phép PA nắm quyền kiểm soát nhà nước thống nhất của người Palestine và quản lý Gaza khi còn nằm dưới sự lãnh đạo của ông Abbas.
Bạo lực ở vùng Bờ Tây bị chiếm đóng đã leo thang đáng kể sau vụ tấn công của Hamas vào miền nam Israel hôm 7/10/2023. Theo cơ quan y tế Dải Gaza, cuộc tấn công trên bộ và oanh tạc trả đũa của Israel vào Dải Gaza đã giết chết hơn 29.000 thường dân Palestine.
Các quan chức y tế Palestine cũng cho biết ít nhất 401 người đã thiệt mạng do hỏa lực của Israel ở vùng Bờ Tây bị chiếm đóng trong cùng thời gian.
Bảo An(T/h)