+Aa-
    Zalo

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiếp tục cải cách hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần ưu tiên cho công tác chuẩn bị các văn kiện, báo cáo trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

    Phát biểu kết luận nội dung kinh tế - xã hội trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các bộ, ngành, thành viên Chính phủ ưu tiên cho công tác chuẩn bị các văn kiện, báo cáo trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

    Điểm lại những thành tựu nổi bật của tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm, Thủ tướng lưu ý chỉ số theo kết quả khảo sát có đến 87,5% số doanh nghiệp đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là một điểm sáng phản ánh kết quả thực chất của tăng trưởng kinh tế - xã hội thời gian qua và hiệu quả trong quản lý điều hành của Chính phủ.

    Phân tích sâu về những rủi ro thách thức đối với nền kinh tế, Thủ tướng đề cập đến những tác động từ chiến tranh thương mại giữa những nền kinh tế lớn trên thế giới, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh trong nước. Đặc biệt, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

    Cùng với đó là những vấn đề nội tại trong nước như: Sản xuất công nghiệp dù tăng trưởng nhưng không tích cực, thấp hơn mức tăng 2018. Tăng trưởng nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất là do biến đổi khí hậu.

    Dịch vụ, du lịch dù có tiến bộ nhưng kém tích cực hơn, mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế thấp hơn so với năm 2018 do lượng khách Trung Quốc giảm mạnh. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm yếu trong quản lý, điều hành. Kèm theo đó là các vấn đề xã hội, tội phạm, môi trường và tai nạn giao thông tiếp tục diễn ra phức tạp.

    Nhắc lại vấn đề đang gây bức xúc nhân dân về tình trạng ô nhiễm không khí tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu lãnh đạo 2 địa phương đông dân nhất cả nước cần có những biện pháp cụ thể, ngăn ngừa và giải quyết dứt điểm tình trạng này.

    Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, khắc phục triệt để các yếu kém, tồn tại, từ vấn đề môi trường, giải ngân vốn đầu tư công, chính sách đất đai, hoàn thiện thể chế…; trong đó có vai trò, trách nhiệm lớn của các Bộ trưởng, tư lệnh ngành.

    Cho rằng hiện vẫn chưa thực sự có những tập đoàn lớn, đa quốc gia đến đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu “các địa phương phải chuẩn bị mặt bằng, điều kiện tốt hơn nữa để thu hút những nhà đầu tư lớn”.

    Đi liền với đó là tập trung khắc phục khó khăn thúc đẩy tăng trưởng, nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cải cách hành chính; chuẩn bị tốt việc ứng phó với mùa mưa bão năm nay, tiếp tục làm tốt nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, bảo đảm an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, phấn đấu nỗ lực hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2019.

    Đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách mạnh hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, Thủ tướng yêu cầu đánh giá đầy đủ tác động của chiến tranh thương mại, của thị trường tài chính đối với Việt Nam và đưa ra những giải pháp kịch bản, kịp thời, phù hợp, khai thác tốt hơn nữa các Hiệp định FTA đã ký kết. Đảm bảo chất lượng, xuất xứ hàng hóa trong quan hệ thương mại với các thị trường lớn, thị trường truyền thống.

    Làm tốt việc ngăn chặn, xử lý các loại dịch bệnh trên người và gia súc; chú trọng đến nhiệm vụ tháo gỡ thẻ vàng EU; giảm nhập siêu; thúc đẩy khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam và cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh.

    Lần này đánh giá về thi đua, Bộ Nội vụ cần xem xét chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương, Thủ tướng chỉ đạo.

    Cùng với đó là tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh địa chính trị có nhiều phức tạp; tăng cường thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cách mạng công nghiệp 4.0; chuẩn bị tốt cho các hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới, kinh tế tập thể, doanh nghiệp Nhà nước.

    Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành làm tốt hơn nữa việc rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, thông thoáng hơn, thuận lợi hơn. Bộ Tài chính có nhiệm vụ đẩy mạnh tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu; tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại.

    Để chuẩn bị tốt cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành dành thời gian hoàn thiện các dự thảo luật trình Quốc hội đảm bảo tiến độ, chất lượng.

    Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan, có giải pháp quyết liệt xử lý các vấn đề xã hội gây bức xúc trong nhân dân như tai nạn giao thông, hỏa hoạn xảy ra ở nhiều nơi, ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn.

    Quang Vũ (TTXVN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-tiep-tuc-cai-cach-hon-nua-de-thuc-day-san-xuat-kinh-doanh-a295374.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan