(ĐSPL) – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang cùng hệ thống chính trị xử lý quyết liệt tình trạng tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Sáng nay (17/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo trước Quốc hội công tác của Chính phủ và thông qua các Nghị quyết như về dự toán ngân sách, đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm... Sau khi báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn trong ngày 2 ngày 15 và 16/11.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đã nêu lại lo lắng của cử tri trước tình trạng kỷ luật kỷ cương trong bộ máy nhà nước không nghiêm, trong đó có việc cán bộ tha hóa, vòi vĩnh, tiêu cực, trong số đó có người ở cương vị lãnh đạo quản lý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Vietnamnet) |
"Đề nghị Thủ tướng cho biết có chấn chỉnh được thực trạng trên hay không, biện pháp xử lý thế nào?", đại biểu Nguyễn Thái Học đặt câu hỏi.
Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng cùng hệ thống chính trị xử lý quyết liệt tình trạng tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, để tạo niềm tin cho toàn dân, toàn quân trongc công tác chống tham nhũng, tiêu cực. Loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất. Đây là yêu cầu khẩn cấp cần có chủ trương, biện pháp cụ thể trong Đảng và Nhà nước.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng vừa ký Chỉ thị mới nhất về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, tăng cường giáo dục rèn luyện đạo đức cho cán bộ, như Bác Hồ đã nói cán bộ lấy đức làm gốc. Vì thế xử lý nghiêm khắc cá nhân, tập thể vi phạm. Đây là hình thức pháp trị cần thiết trong tình hình hiện nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề cần phải công khai minh bạch, quyền lực phải được kiểm soát, có cơ chế quản lý hạn chế thấp nhất tình trạng xin-cho, nhất là liên quan tài chính, ngân sách, tài nguyên, đất đai...Tiếp tục cải cách tiền lương, giảm biên chế là việc hết sức cần thiết.
Trong buổi chất vấn, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cũng chất vấn Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tài sản công sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, cũng như chất vấn về 5 dự án thua lỗ lớn.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vấn đề sử dụng tài sản công từ đất đai đến xe cộ, trụ sở còn nhiều hạn chế. Chính phủ có Chỉ thị và đang thảo luận về Luật về vấn đề này.
Theo Thủ tướng, trước mắt có hệ thống tiêu chuẩn định mức công bố công khai để người dân biết, theo dõi. Cần có hình thức, như khoán kinh phí xe công và điều quan trọng nhất là đơn vị nào, cơ quan nào để lãng phí thì người đứng đầu chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước nhân dân. Việc giám sát của cơ quan dân cử cũng rất quan trọng. Đây là khâu yếu nên cần quan tâm nhằm đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Về 5 nhà máy thua lỗ, theo yêu cầu của Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Quan điểm của Thủ tướng là không dùng tiền thuế của dân bù cho lỗ các dự này. Còn việc giải quyết, thời gian tới, với tinh thần cắt lỗ, sử dụng hiệu quả có thể bán khoán, cho thuê, thậm chí phá sản để giảm thua lỗ, không tạo gánh nặng của nền kinh tế.
Thủ tướng khẳng định: "Tuy 5 ngón tay có ngón dài ngón ngắn nhưng đều chung một bàn tay", các thành viên Chính phủ đương nhiệm quyết tâm xây dựng một Chính phủ đoàn kết, thống nhất, hoạt động công khai, minh bạch, liêm chính, kiến tạo,... để thực hiện tốt nhất các mục tiêu được Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó.
Nhân Văn