Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng, Berlin không nên đưa ra quyết định vội vàng và liều lĩnh về việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, đặc biệt là liên quan đến tên lửa tầm xa, theo thông tin trên RT.
Bình luận nói trên được Thủ tướng Scholz đưa ra trong bài phát biểu vận động tranh cử kéo dài 1 tiếng hôm 30/11, khi ông chỉ trích ông Friedrich Merz - ứng cử viên tiềm năng cho chức thủ tướng trong cuộc bầu cử liên bang năm 2025.
Được biết, ông Merz gợi ý cung cấp tên lửa tầm xa Taurus của Đức cho Ukraine nhưng với một số điều kiện nhất định. Theo ông, Đức nên đưa ra tối hậu thư cho Nga về việc ngừng tấn công các mục tiêu ở Ukraine, nếu Nga không tuân thủ thì Berlin sẽ dỡ bỏ các hạn chế về tầm bắn của tên lửa, sau đó cung cấp cho Kiev.
Từng nhiều lần phản đối việc gửi tên lửa Taurus đến Ukraine vì lo Đức bị cuốn vào cuộc xung đột, Thủ tướng Scholz đã bác bỏ ý tưởng nói trên. “Tất cả những gì tôi có thể nói là: Hãy cẩn thận! Không thể chơi canh bạc Nga với an ninh của Đức”, ông nói, đồng thời cam kết Berlin vẫn “kiên định và bình tĩnh” trong việc hỗ trợ Ukraine.
Hồi giữa tháng 11/2024, Thủ tướng Scholz và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ cuối năm 2022, trong đó nhà lãnh đạo Đức kêu gọi Nga đàm phán với Ukraine để đạt được hòa bình công bằng và lâu dài, đồng thời nhấn mạnh rằng Berlin sẵn sàng hỗ trợ Kiev.
Trong khi đó, Tổng thống Putin nhắc lại rằng cuộc xung đột là "hậu quả trực tiếp của chính sách gây hấn lâu dài của NATO nhằm tạo ra một bàn đạp chống lại Nga trên lãnh thổ Ukraine".
Đức từ lâu vẫn trì hoãn việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, trong khi Mỹ, Anh và Pháp đã cung cấp cho Kiev các tên lửa ATACMS và Storm Shadow/Scalp. Vào tháng 11/2024, Mỹ “bật đèn xanh” cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Washington sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, trong khi Moscow ghi nhận các cuộc tấn công bằng tên lửa Storm Shadow.
Tổng thống Putin từng cảnh báo rằng động thái này đồng nghĩa với sự tham gia trực tiếp của NATO và sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột, bởi Kie không thể vận hành tên lửa nếu không có dữ liệu mục tiêu từ các nước ủng hộ phương Tây.
Sau khi Ukraine tiến hành một số cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, Moscow đã đáp trả bằng cuộc tấn công vào một cơ sở quốc phòng ở Dnepr bằng tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik mới.