Theo Thời báo Hoàn Cầu, sau khi Đức đồng ý gửi xe tăng cho Ukraine, Kiev tiếp tục đề nghị Berlin cung cấp máy bay chiến đấu và tàu ngầm.
Về vấn đề này, ngày 29/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo cần "thận trọng" trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời kêu gọi ngừng bắn thông qua đối thoại với Nga.
"Vấn đề máy bay chiến đấu hoàn toàn không được đặt ra. Tôi chỉ có thể khuyên không nên bước vào một cuộc cạnh tranh liên tục để cố gắng vượt trội hơn người khác trong vấn đề vũ khí", ông Scholz cho hay.
Ông Scholz nhấn mạng rằng Đức không phải là một bên tham chiến, xung đột Nga-Ukraine là xung đột giữa Nga và Ukraine, Đức sẽ làm mọi cách để đảm bảo tình hình không leo thang.
Thủ tướng Đức cũng kêu gọi duy trì đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để đạt được ngừng bắn thông qua đối thoại.
Ukraine đưa ra yêu cầu cung cấp máy bay chiến đấu gần như ngay sau khi Berlin và Washington khẳng định sẽ gửi xe tăng. Đức cho biết sẽ cùng các đồng minh châu Âu gửi cho Kiev khoảng 80 xe tăng Leopard 2.
Theo Tass, một cuộc biểu tình phản đối việc cung cấp xe tăng và vũ khí của Đức đã được tổ chức tại Munich. Hàng trăm người đã diễu hành dọc thành phố, mang theo cờ và biểu ngữ kêu gọi hòa bình, chấm dứt "chiến tranh kinh tế như một hình thức chiến tranh khác".
Nga giận dữ trước quyết định của Đức trong việc chấp thuận chuyển giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, nói rằng Berlin đang chối bỏ "trách nhiệm lịch sử với Nga".
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Đức tuyên bố rằng việc Berlin và các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác gửi xe tăng đến Ukraine sẽ góp phần làm leo thang xung đột.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Argentina Fernandez cho biết trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Scholz, đang ở thăm rằng các nước Mỹ Latinh, rằng "chưa xem xét việc gửi vũ khí cho Ukraine".
Theo truyền thông Brazil, Tổng thống Brazil Lula gần đây đã từ chối yêu cầu của Đức đối với Brazil về việc cung cấp đạn dược cho xe tăng Leopard.
Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu)