Sáng 27/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã đến tỉnh Bình Dương kiểm tra, chỉ đạo công tác chống dịch.
Tại điểm kiểm tra đầu tiên, bệnh viện quốc tế Becamex (TP.Thuận An)-nơi đã thành lập bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tích cực để thu dung bệnh nhân COVID-19 thể nặng, Thủ tướng theo dõi việc điều trị các bệnh nhân nặng, kiểm tra cơ sở vật chất tại đây. Hiện tại bệnh viện đang điều trị 270 bệnh nhân COVID-19 nặng. Bệnh viện do bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội, phụ trách.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ tại đây, đề nghị tiếp tục rút kinh nghiệm và phổ biến cho đội ngũ bác sĩ cơ sở. Vừa điều trị COVID-19 vừa sẵn sàng điều trị các bệnh khác cho nhân dân. Thủ tướng cũng chỉ đạo các xã, phường phải có đủ oxy, thuốc, một số thiết bị, đồng thời phải bảo đảm lưu thông thông suốt và kịp thời để hỗ trợ nhanh cho việc điều trị bệnh nhân.
Thủ tướng hoan nghênh việc có 3 bác sĩ, điều dưỡng dương tính với COVID-19 vẫn tiếp tục tình nguyện ở lại điều trị cho các ca F0 khác. Thăm hỏi sức khỏe, động viên các y bác sĩ này, Thủ tướng đánh giá cao và bày tỏ cảm ơn tinh thần nỗ lực của các bác sĩ dù nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục chăm sóc bệnh nhân.
Rời bệnh viện quốc tế Becamex, Thủ tướng và đoàn công tác tới nơi quản lý và điều trị các trường hợp F0 thuộc tầng 1 của tháp điều trị, đặt tại trường Tiểu học Bình Thuận, phường Thuận Giao, TP. Thuận An. Cơ sở này đang điều trị cho 412 trường hợp F0, trong đó chủ yếu là bệnh nhân có triệu chứng nhẹ nên được điều trị ở tầng 1.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo thành phố Thuận An cần thực hiện chiến lược lấy xã, phường làm pháo đài và đưa dịch vụ y tế tới nhanh hơn, gần với người dân hơn, thân thiện hơn; tăng cường điều trị tại phường, xã để giảm tải cho tuyến trên.
Bên cạnh đó, muốn giảm số ca tử vong thì phải phát hiện F0 sớm, phải chạy chữa từ xa, từ sớm, từ cơ sở.
Tiếp đó, Thủ tướng tới kiểm tra khu tập kết, chuẩn bị các gói thực phẩm hỗ trợ người dân tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Đông Phú, phường Thuận Giao. Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh khi giãn cách xã hội phải đáp ứng nhu cầu thực phẩm, y tế của người dân.
Cũng trong sáng cùng ngày, Thủ tướng và đoàn công tác đã đến một khu dân cư ở phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An. Thủ tướng Chính phủ đã tực tiếp kiểm tra, đề nghị người dân gọi vào các số điện thoại đường dây nóng mà địa phương cung cấp, yêu cầu hỗ trợ y tế và gói an sinh xã hội. Chừng 10 phút sau cuộc gọi, hai nhân viên y tế có mặt tại khu trọ. Thủ tướng cho biết muốn kiểm tra hệ thống y tế phường, xã có nhanh không và nhấn mạnh Chính phủ muốn tăng khả năng đáp ứng y tế từ cấp cơ sở. Việc để người dân gọi đường dây nóng nhiều lần không ai bắt máy hoặc máy bận là chưa ổn, từ đó đề nghị địa phương cử người trực 24/24 tiếp nhận cuộc gọi.
Tại khu nhà trọ Bình Quới A (phường Bình Chuẩn), người dân chia sẻ với Thủ tướng, đã ở nhà hơn 1 tháng tuy có bất tiện nhưng vẫn phải chấp hành giãn cách để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Từ ngày 23/8, khi tăng cường giãn cách, người dân vẫn được tiếp tế thực phẩm. Tại đây, Thủ tướng cũng trực tiếp kiểm tra, đề nghị người dân gọi điện tới số điện thoại khẩn cấp của phường để được hỗ trợ y tế. Nội dung, cách thức, thái độ trả lời của tổng đài viên y tế được ghi nhận là phù hợp, nhẹ nhàng, tạo thiện cảm cho người dân. Khoảng 10 phút sau, đội y tế của tỉnh tăng cường xuống các xã, phường đã có mặt và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân.
Thủ tướng ghi nhận sự có mặt kịp thời này và cho rằng việc tăng cường lực lượng y tế từ tỉnh xuống xã phường là một cách làm tốt.
Báo cáo Thủ tướng, đội y tế tăng cường cho biết đội ứng trực 24/24 và mỗi ngày tiếp nhận, xử lý khoảng 5-6 cuộc gọi từ người dân cần hỗ trợ. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu phường phải chủ động hơn nữa trong đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ngoài ra, Thủ tướng và đoàn công tác cũng tới thăm, động viên đội ngũ y bác sĩ đang làm việc tại trạm y tế lưu động của phường Bình Chuẩn, nơi đang thu dung, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của 4 phường. Tại đây, đội ngũ y vác sĩ cho biết, phường Bình Chuẩn là “vùng đỏ”, có nhiều ca bệnh. Do đó, việc thu dung, điều trị F0 ngay tại xã, phường là hết sức phù hợp với tình hình thực tiễn, nếu không sẽ gây quá tải cho tuyến trên. Những ngày qua, mỗi ngày trạm tiếp nhận, xử lý kịp thời 10-15 cuộc gọi của người dân. Lãnh đạo địa phương khẳng định việc Chính phủ quyết định chuyển việc chăm sóc y tề về xã phường là quyết định vô cùng đúng đắn vào lúc này.
Cũng trong sáng ngày 27/8, Thủ tướng Chính phủ đến kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh và chống dịch tại Công ty TNHH Saigon Stec (TP. Thủ Dầu Một) - doanh nghiệp chuyên cung cấp module máy ảnh cho máy tính bảng, điện thoại… Công ty đang thực hiện có hiệu quả mô hình “3 tại chỗ” với 2.000 công nhân trong tổng số 6.600 công nhân vẫn duy trì làm việc.
Tại đây, Thủ tướng động viên người lao động tại nhà máy tiếp tục khắc phục khó khăn, cùng Công ty duy trì sản xuất trên cơ sở bảo đảm an toàn.
“Nếu để đứt gãy chuỗi sản xuất, mất việc thì sẽ khó tìm lại việc làm”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Báo cáo Thủ tướng, ông Wada Kazuhito, Tổng Giám đốc Công ty, đánh giá cao mô hình “3 tại chỗ” với sự ủng hộ, hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Sắp tới, Công ty sẽ triển khai thêm phương án “1 cung đường - 2 điểm đến”, dự kiến sẽ đưa thêm 3.000 công nhân trở lại làm việc và tiến tới đủ 6.600 công nhân.
Lắng nghe các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ Công ty về mọi mặt để tiếp tục duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và cuộc sống cho công nhân. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ quan tâm nhiều mặt tới hoạt động của các doanh nghiệp, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì sản xuất an toàn, trong đó có vấn đề tiêm vaccine cho công nhân.
Thủ tướng đề nghị ông Wada Kazuhito góp thêm tiếng nói đề nghị các đối tác ở các nước có liên quan tới hoạt động của Công ty như Mỹ, Nhật và các đối tác khác quan tâm ủng hộ việc cung ứng vaccine cho Việt Nam. Ông phân tích, phòng chống dịch COVID-19 và duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất đều là những vấn đề toàn cầu, do đó, cần cách tiếp cận toàn cầu, các bên liên quan phải có trách nhiệm với nhau vì lợi ích của tất cả các bên. Việc cung ứng vaccine cho Việt Nam không chỉ vì lợi ích của Việt Nam mà còn vì lợi ích chung của các đối tác, góp phần vào việc phòng chống dịch và duy trì chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.
Hoàng Yên (T/h)