(ĐSPL) -Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc; Bội chi ngân sách còn cao; Nợ công tăng nhanh... là những hạn chế, yếu kém được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra khi đề cập đến tình hình kinh tế- xã hội năm 2014.
Sáng nay (20/10), Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. |
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, kỳ họp của Quốc hội diễn ra trong lúc kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm; an ninh chính trị, xung đột vũ trang, dịch bệnh ở một số nơi diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế-chính trị khu vực và toàn cầu.
Ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng đang trên đà phục hồi. Mặc dù vậy, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, đe dọa tới sự phát triển bền vững của đất nước. Tình hình tội phạm, tệ nạn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp làm lòng dân bất an. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
"Trước tình hình đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải quyết tâm cao hơn nữa, có các chủ trương, giải pháp căn cơ, đồng bộ để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội mong muốn toàn dân đoàn kết một lòng nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và 5 năm 2011-2015, tạo đà phát triển nhanh, bền vững trong các năm tiếp theo.
Đề cập tới công tác xây dựng pháp luật (nội dung chiếm 2/3 thời lượng kỳ họp lần này), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, với dự kiến sẽ thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 12 dự án luật khác, đây là số lượng dự án luật lớn nhất từ trước đến nay được xem xét thông qua, cho ý kiến tại một kỳ họp.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. |
“Chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Xung đột xảy ra ở nhiều nơi. Căng thẳng trên biển Hoa Đông và Biển Đông”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng: “Trong nước kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. Nhu cầu trong phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp”.
“Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khó khăn, thách thức là rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 theo nghị quyết của Quốc hội. Với sự nỗ lực chung, kinh tế nước ta có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, chín tháng đầu năm tăng 2,25\%, thấp nhất trong mười năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2\% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,25\% và dự kiến cả năm tăng 12-14\%.
Thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Niềm tin vào đồng Việt Nam tăng lên. Xuất khẩu chín tháng tăng 14,4\%, nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng cao, ước cả năm xuất khẩu khoảng 148 tỷ USD trong khi nhập khẩu khoảng 146 tỷ USD. Bội chi ngân sách cả năm ước 5,3\%, nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ vẫn ở trong giới hạn cho phép. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước đạt 30,1\% GDP.
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém: “Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc. Bội chi ngân sách còn cao. Nợ công tăng nhanh. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2\% (theo quy định của chiến lược nợ công là không quá 25\%, nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại là khoảng 26,2\%). Tổng cầu tăng chậm, tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng đầu năm…
Nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Thị trường chứng khoán phát triển chưa vững chắc. Thị trường bất động sản phục hồi còn chậm. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp…”.
Tiếp sau phần trình bày báo cáo kinh tế xã hội của Thủ tướng, Quốc hội tiếp tục làm việc với các nội dung quan trọng khác, gồm: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, thay mặt Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014… |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuong-chinh-phu-no-cong-dang-tang-nhanh-a56337.html