(ĐSPL)- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng, không thể đánh đổi. Đồng thời, thủ tướng nhấn mạnh đấu tranh bằng biện pháp hòa bình trên 3 mặt trận chính.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết như trên khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, diễn ra sáng 29/5.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép và tấn công các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển của Việt Nam không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Ảnh VGP |
Thủ tướng cho biết, kể từ lúc xảy ra vụ việc, Việt Nam đã hơn 30 lần gặp gỡ, giao thiệp, đấu tranh ngoại giao yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc ngày càng ngang ngược, đe dọa dến hòa bình, an ninh, ổn định khu vực.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng, không thể đánh đổi. Thủ tướng nhấn mạnh đấu tranh bằng biện pháp hòa bình trên 3 mặt trận chính.
Trên thực địa, các lực lượng tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam phải luôn có mặt và kiên trì cản phá, bảo vệ vùng chủ quyền, cố gắng kiềm chế, đấu tranh ngoại giao, tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc dừng hoạt động và rút khỏi giàn khoan khỏi vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thủ tướng cũng cho hay, hơn 30 tàu của các lực lượng chấp pháp đã bị tàu Trung Quốc đâm va, gây thiệt hại lớn.
Trên mặt trận ngoại giao, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến hành gặp gỡ và chỉ rõ những hành động sai trái của Trung Quốc, buộc họ phải rút giàn khoan đang hạ đặt trái phép trên vùng biển nước ta.
Đấu tranh bằng con đường dư luận, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam cần chủ động thông báo một cách trung thực tình hình biển Đông với cộng đồng quốc tế về hành vi vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc, tiếp tục đấu tranh pháp lý.
Ở góc độ kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc vẫn được coi trọng.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới. Trong lúc này, quan hệ kinh tế có ảnh hưởng nhưng tinh thần chung, Việt Nam luôn mong muốn đẩy mạnh quan hệ thương mại với Trung Quốc trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Đồng thời, Thủ tướng cũng cho rằng, Trung Quốc không thể vì lợi ích của mình mà đóng cửa hoàn toàn thương mại với Việt Nam, nếu Trung Quốc đóng cửa thương mại với Việt Nam thì Trung Quốc cũng có thiệt hại, nhất là Việt Nam là thị trường nhập siêu lớn của Trung Quốc. Chưa kể Trung Quốc cũng là thành viên WTO phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định kinh tế thương mại quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ giữ quan hệ thương mại với Trung Quốc vì lợi ích của đôi bên, không vì vụ việc giàn khoan mà thấy bế tắc trong quan hệ thương mại hay các lĩnh vực khác.
Trong tổng thể, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu về lâu dài phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng thị trường xuất nhập khẩu, du lịch, đầu tư và lao động. Trong khó khăn càng phải tính lâu dài, thị trường này khó khăn thì sẵn sàng có thị trường khác thay thế. Dù bước chuyển có tốn chi phí, thời gian nhưng khi cần vẫn chủ động được. Hiện tại Việt Nam nhập siêu của Trung Quốc nhưng lại xuất siêu sang các nước như Mỹ, châu Âu… do đó, thời gian tới cần phải tiến tới cân bằng xuất nhập khẩu với Trung Quốc.
HẢI MINH (Tổng hợp)