Thủ tướng Anh Theresa May ngày 6/11 khẳng định quốc hội nước này phải chấp nhận kết quả cuộc bỏ phiếu của đa số người dân ủng hộ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit, theo đó hãy để chính phủ tiến hành các thủ tục liên quan theo lịch trình.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại một sự kiện ở London ngày 2/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bà May bày tỏ tin tưởng sẽ "đảo ngược" phán quyết của Tòa án Thượng thẩm Anh yêu cầu trao quyền cho quốc hội của nước này, chứ không phải chính phủ, thông qua việc khởi động tiến trình đàm phán Brexit - động thái đe dọa làm trì hoãn tiến trình Brexit.
Trong một thông cáo trước thềm chuyến thăm Ấn Ðộ, nữ Thủ tướng Anh nêu rõ: "Bất chấp việc nhiều người muốn cản trở tiến trình đàm phán, chính phủ vẫn sẽ tiếp tục công việc thực thi quyết định của nguời dân Anh...". Bà May khẳng định kết quả cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6 vừa qua đã rõ ràng và đúng pháp luật, theo đó các nghị sĩ và thượng nghị sĩ vẫn còn nuối tiếc về kết quả cuộc bỏ phiếu cần phải chấp nhận ý nguyện của người dân Anh.
Trước đó, ngày 4/11, Thủ tướng Anh cũng khẳng định với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng, thời hạn chót tháng 3/2017 để khởi động các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi "mái nhà chung" EU "vẫn không thay đổi", bất chấp phán quyết nói trên của Tòa Thượng thẩm Anh. Bà May cho biết đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp giúp nước Anh có thể đạt được kết quả tốt nhất trong tiến trình đàm phán với EU.
Theo kế hoạch, cuối tháng 3 tới, bà May sẽ chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, khởi động tiến trình kéo dài 2 năm để ra khỏi EU. Tuy nhiên, kế hoạch vấp phải sự phản đối của những người dân không ủng hộ Brexit và nhóm này đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Thượng thẩm, phản đối việc Thủ tướng tự ý quyết định thời điểm xúc tiến thủ tục ra khỏi EU mà không thông qua Quốc hội Anh.
Điều 50, Hiệp ước Lisbon 2007 1. Các quốc gia thành viên có quyền rời khỏi liên minh Châu Âu nhưng phải phù hợp với hiến pháp của nước mình. 2. Nước thành viên có quyết định rời EU phải thông báo cho hội đồng Châu Âu, theo hướng dẫn của hội đồng Châu Âu, các quốc gia thành viên tiến hành đàm phán và ký kết một thỏa thuận với quốc gia đưa ra quyết định rút khỏi liên minh về tiến trình rút khỏi EU, trong đó có tính đến khuôn khổ cho mối quan hệ với quốc gia này trong tương lai. Thỏa thuận được tiến hành phù hợp với quy định theo Điều 218 Khoản 3, Hiệp ước về chức năng của Liên minh Châu Âu (TFEU). Hội đồng Châu Âu có thể thay mặt cho liên minh kí kết hiệp ước, đại diện cho đa số và được Hội đồng Châu thông qua. 3. Các điều ước quốc tế sẽ bị đình chỉ đối với nước được nói đến kể từ ngày các thỏa thuận xin rút khỏi có hiệu lực hoặc rằng 2 năm sau khi thông báo tại khoản 2, trừ khi Hội đồng EU, thỏa thuận với một số nước liên quan nhất trí kéo dài khoảng thời gian. 4. Với mục đích của khoản 2 và 3, thành viên của hội đồng Châu Âu hoặc của hội đồng đại diện cho các quốc gia thành viên xin rút khỏi sẽ không được tham gia các cuộc thảo luận của hội đồng Châu Âu hoặc Hội đồng hoặc các quyết định liên quan. Đa số đạt yêu cầu sẽ được xác định theo Điểm b Khoản 3 Điều 238 của Hiệp định TFEU. 5. Nếu một quốc gia đã xin rút khỏi liên minh xin gia nhập lại, yêu cầu của quốc gia này phải thực hiện các thủ tục quy định tại Điều 49. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. Link nguồn: http://eur-lex.europa.eu |
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]RwEet6Ogyi[/mecloud]