(ĐSPL) - Cha mẹ nuôi có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Nếu con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của con nuôi.
Họ, tên và dân tộc là những đặc điểm nhân thân cơ bản, có tính ổn định, thể hiện nguồn gốc và huyết thống của mỗi cá nhân. Do đó, đây là những đặc điểm nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời, được xác định trên Giấy khai sinh và chỉ có thể thay đổi trong những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định.
Vấn đề đặt ra trong tình huống là sau khi đã hoàn tất thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, cha mẹ nuôi có nguyện vọng muốn được ghi tên mình vào phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi, và thay đổi họ và dân tộc của con nuôi từ họ và dân tộc của cha đẻ sang họ và dân tộc của cha nuôi, khi mà con nuôi đã được đăng ký khai sinh và xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ. Để giải quyết nguyện vọng của các bên cho và nhận con nuôi, chính quyền xã cần căn cứ vào các quy định về quyền thay đổi họ, tên; quyền xác định lại dân tộc trong Bộ luật Dân sự và quy định về thủ tục, trình tự giải quyết các việc liên quan trong Nghị định số 158/2005/NĐ-CP để vận dụng pháp luật được chính xác, trong đó, cần đặc biệt lưu ý về vấn đề thẩm quyền.
Thủ tục thay đổi họ và dân tộc của con nuôi theo cha nuôi - Ảnh minh họa |
Theo quy định tại Điều 28, Điều 37 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì thẩm quyền thực hiện việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh (đối với trường hợp trẻ em đã được đăng ký khai sinh, nay được nhận làm con nuôi người khác) và thẩm quyền thay đổi họ cho người dưới 14 tuổi đều do Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh thực hiện.
Về yêu cầu thay đổi phần khai về cha, mẹ từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh
Sau khi hoàn tất thủ tục nhận nuôi con nuôi và được chính quyền xác nhận, có nghĩa là cha mẹ nuôi phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đăng ký thường trú cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi. Trường hợp muốn thay đổi phần khai về người mẹ, từ mẹ đẻ sang mẹ nuôi trong Giấy khai sinh của con nuôi thì cha mẹ nuôi phải làm thủ tục bổ sung, sửa đổi Giấy khai sinh của con nuôi theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch, cụ thể là:
Trong trường hợp giữa cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi có sự thỏa thuận về việc thay đổi phần khai về cha, mẹ từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho con nuôi đăng ký khai sinh lại theo những nội dung thay đổi đó. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”. Việc đăng ký khai sinh lại phải được ghi rõ trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh trước đây. Bản chính và bản sao Giấy khai sinh của con nuôi được cấp theo nội dung mới. Giấy khai sinh cũ phải thu hồi.
Việc thay đổi phần kê khai về cha, mẹ nói tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP phải được sự đồng ý của con nuôi, nếu con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên.
Như vậy, cha mẹ nuôi phải nộp các giấy tờ, bao gồm:
1) Bản sao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi;
2) Văn bản đồng ý của mẹ đẻ cháu bé;
3) Bản chính Giấy khai sinh của cháu bé đến Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho con nuôi để Ủy ban nhân dân cấp lại Giấy khai sinh cho cháu bé với phần khai về người mẹ đã được thay đổi theo đúng quy định.
Về yêu cầu thay đổi họ của con nuôi
Trong trường hợp trẻ được nhận làm con nuôi đã được đăng ký khai sinh thì cha nuôi, mẹ nuôi có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên cho con nuôi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự.
Về yêu cầu xác định lại dân tộc cho con nuôi sang dân tộc của cha nuôi
Theo nguyên tắc chung về xác định dân tộc quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự thì dân tộc của một cá nhân chỉ có thể được xác định theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ. Do đó, việc xác định lại dân tộc chỉ có thể thực hiện được trong phạm vi chuyển dân tộc của người con từ dân tộc của cha đẻ sang dân tộc của mẹ đẻ hoặc ngược lại. Pháp luật không quy định việc cho phép xác định lại dân tộc của một người từ dân tộc của cha đẻ sang dân tộc của cha nuôi.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]j34fgF3MfW[/mecloud]