(ĐSPL) - Khi nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án thì Tòa án sẽ ra quyết định không công nhân quan hệ vợ chồng đồng thời sẽ thực hiện chia tài sản chung theo yêu cầu.
Theo phong tục xưa nay ở Việt Nam, nhiều người cho rằng, khi cô dâu mới về nhà chồng cần có một chút tài sản gọi là của hồi môn, vừa dành để tiết kiệm chi tiêu sau này, vừa để nhà chồng coi trọng. Vì vậy nhiều gia đình nhà gái vì muốn con gái “có giá” trong mắt nhà trai nên phải lo liệu những món đồ giá trị như tiền bạc, vàng, trang sức để dành tặng cô dâu làm của hồi môn. Trong lễ cưới cô dâu, chú rể được gia đình hai bên tặng cho vàng hoặc tiền làm của hồi môn. Vậy những tài sản có giá trị này là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng? Pháp luật Việt Nam có điều chỉnh về của hồi môn là tài sản chung hay riêng?
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (Luật HNGĐ) tại Điều 33 quy định: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Thủ tục ly hôn: Của hồi môn là tài sản chung hay riêng? |
Vậy trong đám cưới gia đình hai bên trao quà cho vợ, chồng thường nói: “tặng cho hai đứa” cũng có khi chỉ trao quà vào tay, chứ không nói gì. Bởi lẽ, khi kết hôn chẳng ai nghĩ sẽ ly hôn, nên những quà tặng ngầm cho riêng thường được nhập luôn vào tài sản chung. Hay những tài sản cho chung lại trở thành tài sản riêng. Pháp luật quy định trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Ví dụ như gia đình cho trang sức là vàng, thường cô dâu là người cất giữ và sử dụng. Mặc dù, cho chung nhưng sau khi ly hôn thì cô dâu thường nghĩ tặng cho trang sức là cho riêng mình và mặc nhiên không chia. Nhưng cũng có trường hợp khi ra Tòa tranh chấp người vợ chứng minh bằng việc “đây là tài sản riêng, vì khi tặng cho mọi người trao, và đeo vào người cho cô”, còn người chồng “yêu cầu chia đôi, hoặc của nhà ai thì về nhà người đó”. Có thể thấy việc chứng minh tài sản chung, riêng là trang sức vàng trong ngày cưới rất khó, vì chẳng có một giấy tờ chứng minh, cũng như khi trao chẳng ai rạch ròi, nói rõ cho cô dâu hay cho chú rể.
Theo Điều 43 Luật HNGĐ 2014 thì: Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật HNGĐ 2014; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật HNGĐ 2014.
Có thể thấy không có một quy định rành mạch, rõ ràng về việc tặng cho trang sức, vàng bạc là tài sản riêng hay chung. Điều này phụ thuộc vào việc xét xử của từng Tòa và chứng minh của một trong hai bên vợ chồng.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]klNdGFMJcc[/mecloud]