+Aa-
    Zalo

    Thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho con nuôi như thế nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hiện nay, có 2 tình huống với 2 cách thực hiện việc nhận nuôi con nuôi và đăng ký việc sinh, cấp Giấy khai sinh cho đứa trẻ được nhận làm con nuôi.

    (ĐSPL) - Hiện nay, có 2 tình huống với 2 cách thực hiện việc nhận nuôi con nuôi và đăng ký việc sinh, cấp Giấy khai sinh cho đứa trẻ được nhận làm con nuôi.

    Nếu còn liên lạc được với mẹ đẻ của đứa trẻ

    Căn cứ quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP  thì cha mẹ đẻ hoặc ông bà hoặc những người thân thích khác của đứa trẻ có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký  khai sinh cho trẻ tại UBND cấp xã nơi người mẹ cư trú. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Tờ khai và giấy chứng sinh (theo mẫu quy định). Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống.

    Điều 21 Luật Nuôi con nuôi quy định, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.

    Thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho con nuôi như thế nào?

    Theo đó, sau khi sinh ra đứa trẻ từ 15 ngày trở lên, nếu cha đẻ đứa trẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được, mẹ đứa trẻ đồng ý cho con làm con nuôi thì, căn cứ vào thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi quy định tại Điều 7, thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi quy định tại Điều 22 Luật Nuôi con nuôi, người nhận con nuôi làm Đơn xin nhận con nuôi theo mẫu TP/CN-2011/CN.02 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BTP gửi UBND cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi để đăng ký việc nuôi con nuôi.

    Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật Nuôi con nuôi thì, UBND cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của cha mẹ đẻ.

    Căn cứ khoản 2, Điều 28 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, việc bổ sung, sửa đổi Giấy khai sinh của con nuôi được thực hiện như sau: Trong trường hợp giữa cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi có sự thỏa thuận về việc thay đổi phần khai về cha, mẹ từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi, thì UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho con nuôi đăng ký khai sinh lại theo những nội dung thay đổi đó. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”. Việc đăng ký khai sinh lại phải được ghi rõ trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh trước đây. Bản chính và bản san Giấy khai sinh của con nuôi được cấp theo nội dung mới. Giấy khai sinh cũ phải thu hồi.

    Trường hợp trẻ bị bỏ rơi

    Để nhận nuôi đứa trẻ, người nhận phải làm thủ tục nhận con nuôi. Căn cứ Điều 18 Luật Nuôi con nuôi, hồ sơ của đứa trẻ được nhận làm con nuôi gồm: Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; 2 ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 6 tháng; Biên bản xác nhận do UBND hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi.

    Điều 16 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định việc khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi như sau: “1. Người phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn, nơi trẻ bị bỏ rơi để lập biên bản và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.

    Biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; giới tính; đặc điểm nhận dạng; tài sản và các đồ vật khác của trẻ (nếu có); họ, tên, địa chỉ của người phát hiện. Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi lập biên bản, một bảo giao cho người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.

    2. Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi lập biên bản có trách nhiệm thông báo trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình địa phương để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ. Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình có trách nhiệm thông báo miễn phí 3 lần trong 3 ngày liên tiếp các thông tin về trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không tìm thấy cha, mẹ đẻ, thì người hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh.

    3. Khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; nếu không có cơ sở để xác định ngày sinh và nơi sinh, thì ngày phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày sinh; nơi sinh là địa phương nơi lập biên bản; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "trẻ bị bỏ rơi". Trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch căn cứ vào quyết định công nhận việc nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của con nuôi; trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "cha, mẹ nuôi"; nội dung ghi chú này phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu.

    4. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi không phải là trẻ sơ sinh, thì việc lập biên bản và thông báo tìm cha, mẹ đẻ của trẻ em cũng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Khi đăng ký khai sinh, những nội dung liên quan đến khai sinh được ghi theo lời khai của trẻ; nếu trẻ không nhớ được thì căn cứ vào thể trạng của trẻ để xác định năm sinh, ngày sinh là ngày 01 tháng 01 của năm đó; họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam; những nội dung không xác định được thì để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "trẻ bị bỏ rơi”.

    Theo đó, sau khi được UBND cấp xã trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, người nhận cần thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy khai sinh cho đứa trẻ tại UBND cấp xã nơi chú ông Cứ cư trú theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP nêu trên.

    Luật Gia: ĐỒNG XUÂN THUẬN



    Người giải cứu tình nguyện nhận nuôi bé Kim Ngân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuc-dang-ky-giay-khai-sinh-cho-con-nuoi-nhu-the-nao-a97193.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.