Đó là đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ bên hành lang phòng họp Quốc hội sáng 21-10.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời phóng viên Tuổi Trẻ - Ảnh: LÊ KIÊN. |
Ông Dũng mong muốn có thể áp dụng chính sách này trong vòng một năm tới.
* Thưa Bộ trưởng, mới đây Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã bình luận rằng cách khoán xe như Bộ Tài chính vừa làm là không hiệu quả, bởi mới chỉ khoán đi lại từ nhà đến công sở, chưa giảm được số đầu xe và tài xế. Ông có ý kiến như thế nào?
- Bước đầu chúng tôi thực hiện khoán như vậy, còn lại thì phải từng bước sắp xếp, chứ chính sách mới liên quan đến con người, ở đây là đội ngũ lái xe, thì chúng ta không thể giải quyết ngay được. Cái xe cũng vậy, nó là tài sản, không thể một lúc mà giảm, xử lý ngay được.
Nhưng chúng tôi không dừng lại ở việc khoán xe như vừa rồi. Bước thứ hai là tới đây chúng tôi kiến nghị sửa quyết định số 32 của Chính phủ về sử dụng, quản lý xe công theo hướng khác. Định hướng là sẽ tiền tệ hóa, tức là với những tiêu chuẩn như thứ trưởng, tổng cục trưởng lâu nay có chế độ xe đưa đón thì tơi đây sẽ không có chế độ xe như vậy nữa.
Sẽ giao cho người ta ví dụ trong cái khung 5-10 triệu đồng/tháng, để cho từng cơ quan xác định cụ thể. Lúc đó không mua xe nữa thì tự nhiên giảm hết đầu xe đi thôi. Hướng thứ hai nữa là có thể nghiên cứu gom các văn phòng.
Ví dụ UBND, HĐND và thậm chí cả văn phòng đoàn ĐBQH ở tỉnh gom lại thành một đơn vị xe để tính đầu xe chung, chứ hiện nay rất bất cập.
Ví dụ văn phòng HĐND định mức cũng hai xe nhưng lại ít sử dụng, trong khi văn phòng UBND có 2 xe phục vụ 3-4 phó chủ tịch người ta phải điều hành nhiều công việc, đi lại hàng ngày thì lại thiếu.
Vậy thì lúc đó gom xe của 3 văn phòng lại thành 7-8 đầu xe phục vụ chung, không có xe riêng cho từng người nữa.
Thứ ba là phải tùy điều kiện cụ thể từng địa phương, gắn với địa hình cụ thể để bố trí xe, ví dụ mình quy định 700 triệu/xe chung thì ở đồng bằng là được, nhưng miền núi thì phải có ô tô hai cầu có khi phải mua khoảng 1 tỉ thì người ta mới đi được, phải thực tế như vậy.
Tôi tin rằng sửa theo hướng đó thì sẽ tốt.
* Còn hướng tổ chức các đơn vị dịch vụ xe công thì sao, thưa ông?
- Cái đó không cần thiết, tự xã hội hóa thôi. Bây giờ những hãng taxi người ta cung cấp dịch vụ rất đa dạng, anh em mình đi taxi là sử dụng dịch vụ rồi. Khi tiền tệ hóa chế độ như vậy, mỗi người 5-7 triệu đồng/tháng thì người ta tự chi phí đi lại.
* Sau khi Bộ Tài chính áp dụng chế độ khoán xe công đối với cấp thứ trưởng trở xuống, tâm lý họ có thoải mái không, thưa Bộ trưởng?
- Việc này được thực hiện rất nghiêm túc. Anh em bảo đi lại như thế còn thấy thoải mái hơn trước. Nói chung tâm lý người ta không muốn xã hội soi vào.
Tôi nghĩ sử dụng xe công thì anh em cơ bản cũng nghiêm túc, nhưng đôi khi con sâu bỏ rầu nồi canh, có người này người kia sử dụng xe công vào chuyện này chuyện khác, khi bị nói lên thì bản thân người ta (người nghiêm túc -PV) cũng thấy cũng bị xúc phạm.
* Hướng giải quyết chế độ cho đội ngũ lái xe dư ra sau khi thực hiện chính sách này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Hiện nay các lái xe chủ yếu đang thực hiện chế độ hợp đồng. Mình phải tìm hướng giải quyết chế độ cho anh em thôi, thậm chí áp dụng chế độ thôi việc theo hợp đồng. Nhưng nhìn chung phải có lộ trình vì nó liên quan đến con người, đến cuộc sống gia đình người ta.
* Nhiều nước khác thực hiện chế độ khoán rất tốt, như ở Đức thì bà Thủ tướng tự lái xe đi làm…
- Mình sẽ làm từng bước, tôi đã nói trước hết là áp dụng với cấp thứ trưởng trở xuống. Khi mình chưa áp dụng chế độ này thì mỗi người một xe, tới đây áp dụng như vậy, không còn xe đó nữa thì sẽ giảm rất nhiều.
Một điều tôi muốn nhấn mạnh là khi chúng ta áp dụng chế độ, chính sách mới thì sự giám sát của nhân dân, của công luận là hết sức quan trọng, tạo sức ép trở lại để việc thực hiện nghiêm túc.
* Theo Bộ trưởng thì khi nào có thể áp dụng chính sách mới này?
- Chúng tôi đang đề xuất sửa quyết định 32, tôi cho rằng cố gắng trong khoảng một năm tới có thể áp dụng chính sách mới.
LÊ KIÊN
Xem thêm video:
[mecloud]o8aeiprMkb[/mecloud]