Đã làm rõ lượng chi cho chống dịch, vaccine
Ngày 11/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19", theo báo Giao thông.
Liên quan đến nội dung về tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Bộ đã có báo cáo gửi tới đoàn giám sát với nhiều phụ lục về tổng mức huy động ngân sách Nhà nước, huy động từ các nguồn khác gồm viện trợ, quỹ vaccine, quỹ của Trung ương cũng như của các địa phương.
Trong đó, cũng đã làm rõ lượng chi cho chống dịch, vaccine, chi cho từng địa phương. Tuy nhiên, hạch toán huy động nguồn lực tổng thể thì còn chưa đầy đủ, đặc biệt là những hỗ trợ từ các cộng đồng xã hội, người dân… Các giấy tờ, thủ tục để xác lập sở hữu toàn dân còn chưa đầy đủ, gây khó khăn trong công tác hạch toán.
Về Quỹ Vaccine, báo cáo của Bộ Tài chính đã làm rõ số liệu về con số tổng thể, số đã sử dụng, số còn lại. Liên quan đến các vướng mắc, việc xác lập sở hữu toàn dân, đa phần tài sản chưa được xác lập là do thiếu các giấy tờ chứng minh, chưa xác định giá.
Tuy Chính phủ đã có hướng dẫn cụ thể, nhưng trong thời gian đó, có nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp đóng góp nhưng trong điều kiện cấp bách không hoàn thiện hết các giấy tờ cần thiết.
Bộ Tài chính đã tham gia với đoàn giám sát, phối hợp cùng Bộ Y tế để tiếp tục tham mưu với các cơ quan liên quan để xử lý, tháo gỡ vấn đề này.
Trước ý kiến đề nghị làm rõ hơn vụ chuyến bay giải cứu vì cũng thuộc phạm vi giám sát nguồn lực phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: "Ngân sách Nhà nước không hỗ trợ cho các chuyến bay giải cứu trong thời gian vừa qua".
Đề cập các vướng mắc, ông Võ Thành Hưng thông tin, đa phần các tài sản do doanh nghiệp, người dân đóng góp chưa được xác lập sở hữu toàn dân do thiếu các thủ tục, giấy tờ chứng minh, thiếu hóa đơn, chưa xác định giá.
Ngoài ra, còn có trường hợp cho mượn, cho thuê hoặc cho sử dụng trước hóa chất, vật tư y tế, nhưng đến thời điểm hiện tại thì không có hợp đồng cho thuê, cho mượn.
Nói về trách nhiệm của Bộ Tài chính, ông Võ Thành Hưng cho hay, Bộ đã có sửa đổi Thông tư 68 về mua sắm, chi thường xuyên, nhưng đây là quy định để cho hoạt động mua sắm, chi thường xuyên của các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương nói chung, chứ không cho lĩnh vực y tế.
Vì vậy, thông tư đó cũng có loại trừ là trong trường hợp các quy định về lĩnh vực y tế có những đặc thù riêng thì sẽ áp dụng cơ chế riêng, không nhất thiết phải theo thông tư này.
Dịch COVID-19 cho thấy những vấn đề cần chấn chỉnh
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị nêu rõ và sâu hơn bối cảnh khó khăn chưa có tiền lệ của đại dịch COVID-19 để làm rõ những giải pháp đưa ra trong tình hình cấp bách, khi đất nước còn hạn chế trong nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đã rất linh hoạt, sáng tạo, giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra, nhưng bối cảnh đó cũng làm bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng, triển khai, huy động nguồn lực.
Về nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh có tình huống xảy ra trong thực tiễn, kể cả vấn đề áp dụng, vấn đề triển khai thực hiện hoặc có những chính sách chưa sát được với tình huống phát sinh.
Dịch COVID-19 xảy ra đã bộc lộ những vấn đề mà hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng cần phải có những chấn chỉnh để làm sao khi có dịch bệnh tương tự thì chúng ta có thể khắc phục được.
"Về phía Bộ Y tế, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, đánh giá lại thực trạng đối với tất cả các địa phương số lượng là bao nhiêu, vướng ở vấn đề gì và có cần thiết phải báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Quốc hội hay không hay là thuộc thẩm quyền của Chính phủ", Lao động dẫn lời bà Lan.
Linh Chi(T/h)