+Aa-
    Zalo

    Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Xem xét giảm hoặc bỏ xét tuyển sớm

    (ĐS&PL) - Vì mục tiêu công bằng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ đang xem xét giảm tỷ lệ hoặc thậm chí bỏ hẳn hình thức xét tuyển sớm.

    VTC News đưa tin, tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7/12, báo chí đặt vấn đề, nhiều chuyên gia cho rằng, tại dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, việc khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20%, 80% còn lại dành cho kỳ xét tuyển chung sẽ tạo thêm sự công bằng cho thí sinh xét tuyển. Liệu quá trình xét tuyển có trở nên phức tạp hơn, gia tăng thí sinh ảo, thí sinh cũng phải chờ đợi trong khi có thể đã đầy đủ yếu tố để trúng tuyển sớm?

    Trả lời, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, quá trình triển khai xây dựng dự thảo quy chế tuyển sinh, Bộ theo dõi và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, những người trong cuộc trực tiếp tuyển sinh đào tạo các trường, các sở, quản lý giáo dục.

    Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ đang xem xét giảm tỷ lệ hoặc thậm chí bỏ hẳn hình thức xét tuyển sớm. Ảnh: VTC News

     Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ đang xem xét giảm tỷ lệ hoặc thậm chí bỏ hẳn hình thức xét tuyển sớm. Ảnh: VTC News

    "Chúng ta muốn điều chỉnh quy chế tuyển sinh phải dựa trên những quy tắc. Những quy tắc quan trọng nhất trong giáo dục đó chính là công bằng, chất lượng. Bên cạnh đó, cố gắng nâng cao hiệu quả cũng như tạo thuận lợi cho các thí sinh và các trường", ông Sơn nhấn mạnh.

    Bộ GD&ĐT đã tham vấn ý kiến nhiều chuyên gia và trường đại học, đều chung nhận định, khi giảm tỉ lệ xét tuyển sớm xuống, chỉ những em thực sự có năng lực vượt trội mới được tuyển thẳng. Các em tập trung vào đợt xét tuyển chung bảo đảm sự công bằng, chất lượng cũng như hiệu quả và thuận lợi.

    "Các chuyên gia, những người trong cuộc hầu hết đồng thuận với dự thảo này, thậm chí có nhiều đại biểu đề nghị bỏ xét tuyển sớm. Chúng tôi sẽ cân nhắc việc này, liệu để 20% hay bỏ xét tuyển sớm để gộp vào xét tuyển chung một đợt", ông Sơn nhấn mạnh.

    Thứ trưởng thông tin thêm, việc xét tuyển sớm xuất hiện cách đây 6 - 7 năm từ một số cơ sở đào tạo. Khoảng năm 2017, bắt đầu từ một cơ sở đào tạo xét tuyển sớm bằng học bạ, bằng thành tích và các hình thức khác.

    Khi một cơ sở đào tạo xét tuyển sớm giống như cuộc chạy đua, một cơ sở làm thì các cơ sở đào tạo khác không thể đứng yên được mà cũng phải lao vào cuộc canh tranh đó.

    "Nhưng nếu tất cả cùng tham gia cuộc chạy đua này thì đều vất vả. Cơ sở đào tạo phải chuẩn bị hồ sơ từ sớm. Học sinh đang học cũng phải chạy đôn chạy đáo làm hồ sơ. Thầy cô giáo phải xác nhận sớm cho học sinh. Nhưng hiệu quả mang lại thì không cao", ông Sơn phân tích.

    Theo thống kê của Bộ, cứ 8 nguyện vọng xét tuyển sớm mới có một nguyện vọng nhập học. Cứ hai thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm thì chỉ có một em nhập học.

    Xét tuyển sớm do các trường tự tổ chức, nên khi Bộ xét tuyển chung thì sẽ tạo ra tỷ lệ ảo. Điều này khiến các trường xác định chỉ tiêu và điểm chuẩn không chắc chắn.

    Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 cho phép các trường tự chủ tuyển sinh. Từ năm 2019, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được xác định với mục đích chính là xét tốt nghiệp, việc xét tuyển đầu vào đại học với nhiều phương thức nở rộ. Các phương thức phổ biến là xét học bạ, học bạ kết hợp chứng chỉ quốc tế, giải thưởng học sinh giỏi hay điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, vào khoảng tháng 3-5 hàng năm. Cùng đó, các trường vẫn dành chỉ tiêu nhất định để xét bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 7). Điều này dẫn đến cùng một ngành nhưng lại có nhiều "điểm chuẩn", đặc biệt điểm chuẩn từ thi tốt nghiệp bị đẩy lên cao.

    Với dự thảo mới, Bộ GD&ĐT làm rõ "xét tuyển sớm" là các đợt xét tuyển trước đợt chung của Bộ (sau kỳ thi tốt nghiệp THPT). Như vậy, với 80% chỉ tiêu xét ở đợt chung, các trường vẫn được sử dụng nhiều phương thức. Tuy nhiên, điểm chuẩn đợt sớm không thấp hơn đợt chung và phải quy đổi các phương thức về cùng một thang điểm.

    Đây mới là điểm gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia tuyển sinh nhận định việc khắc phục bất cập của xét tuyển sớm là cần thiết, song chưa đồng tình cách làm. Cụ thể, Bộ không đưa ra căn cứ nào cho thấy con số 20% là công bằng. Ngoài ra, kỳ thi tốt nghiệp THPT bị cho không có độ phân hóa bằng các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy để chọn thí sinh chất lượng. Vì thế, việc quy đổi điểm theo thang chung gây rối rắm, khó hiểu.

    Tại hội thảo do Bộ tổ chức hôm qua, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, cho rằng con số 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm không mang nhiều ý nghĩa, nên đề xuất mạnh dạn bỏ. TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Đại học Duy Tân và Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Công thương TP.HCM, ủng hộ ý kiến này.

    Theo ông Sơn, việc Bộ định duy trì xét tuyển sớm với tỷ lệ chỉ tiêu thấp có thể gây lãng phí nguồn lực và thời gian cho cả các trường và thí sinh.

    Năm ngoái, 214 trong 322 trường xét tuyển sớm. Số thí sinh trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em, trong đó 147.400 em đặt làm nguyện vọng 1 (gần 40%), thông tin trên Vnexpress.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/thu-truong-bo-gd-t-xem-xet-giam-hoac-bo-xet-tuyen-som-a487855.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan