Chỉ là một trò chơi nhưng có đến hàng trăm người dám tự sát, thử thách 'Cá voi xanh' đang là nỗi ám ảnh của nhiều người. Đặc biệt, với người đã từng trở về từ 'cõi chết' sau khi tham gia trò chơi nguy hiểm này, nỗi kinh sợ càng lớn hơn.
Thử thách 'Cá voi xanh' bắt đầu từ đâu?
Blue Whale Challenge (Thử thách Cá voi xanh) là một trò chơi truyền thông xã hội xuất hiện cách đây vài năm trên thế giới, bắt đầu từ nước Nga. Trò chơi này yêu cầu người chơi phải thực hiện hàng loạt thử thách trong vòng 50 ngày, vào lúc 4 giờ sáng mỗi ngày. Vào ngày cuối cùng, bằng cách tự sát, người chơi sẽ được công nhận là kẻ chiến thắng. Đó cũng là ý nghĩa tên gọi của trò chơi - những con cá voi xanh tự nguyện lao lên bãi biển để tự sát.
Việc làm cách nào để tham gia trò chơi vẫn là một ẩn số. Nhiều người cho rằng, muốn tham gia trò chơi này thì bạn phải mất công tìm những “chú cá voi”, nghĩa là người đang chơi, họ sẽ giới thiệu bạn với chủ nhân của trò chơi này.
Sau khi cài phần mềm bí mật mà người đó đưa cho, mỗi ngày những người chơi sẽ được gửi một thử thách, phải hoàn thành xong trong ngày. Các thử thách thường bắt đầu một cách nhẹ nhàng như đi dạo vào 4h20, nghe một bản nhạc hay một bộ phim kinh dị mà chủ trò gửi.
Nhưng chỉ sau vài ngày, các thử thách bắt đầu được tăng mức đô lên, thường là trực tiếp ảnh hưởng đến cơ thể người chơi như dùng dao lam rạch tay, rạch môi, dùng kim đâm liên tục vào tay, đứng trên nóc tòa nhà chọc trời.
Tại sao chỉ là trò chơi nhưng nhiều người dám tự sát?
“Thử thách Cá voi xanh” dẫn dắt người chơi thực hiện nhiều việc làm khác nhau, từ bình thường đến nguy hiểm, từ nhẹ nhàng đến “đẳng cấp cao”, như: Trao đổi trên mạng về cá voi xanh; xem phim Cá voi xanh; xem phim kinh dị; vẽ hình cá voi xanh (bằng bút bi) lên cơ thể; sử dụng dao, lưỡi lam hoặc kim khâu để tạo hình dáng cá voi lên cánh tay hoặc chân...
“Thử thách Cá voi xanh” trở thành trào lưu nguy hiểm trong giới trẻ ở nhiều nước trên thế giới, dẫn đến hàng trăm vụ tự tử thương tâm. Theo ghi nhận của giới truyền thông nước Nga, đã có hàng trăm thanh thiếu niên xứ sở bạch dương, nơi ra đời trò chơi nguy hiểm này, đã tự tử để trở thành “người chiến thắng”.
Từ nước Nga, trò chơi nguy hiểm mang tên “Thử thách Cá voi xanh” đã lan rộng sang vùng Trung Á, Châu Âu và Châu Mỹ. Nhiều quốc gia trên thế giới như: Anh, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha… đã đưa ra lời cảnh báo các bậc cha mẹ về sự nguy hiểm cho con em mình từ trò chơi “Thử thách Cá voi xanh”.
Từ khi khởi xướng cách đây vài năm, trò chơi “quái quỷ” này đã cướp đi sinh mạng của hơn 130 thanh niên Nga. Không những thế nó còn tiếp tục được lan truyền ra châu Âu, châu Mỹ và châu Á!
Chỉ đến khi những cái chết bí ẩn được phát hiện ra có chung manh mối là chú cá voi xanh, người thân mới nhận ra nhưng đã quá muộn.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, không chỉ trò chơi này mà nhiều trò chơi khác tương tự đang tràn vào Việt Nam. Người tham gia thường là những thanh thiếu niên còn trong độ tuổi chưa phát triển đầy đủ về nhận thức và tâm sinh lý. Ở tuổi này, các em thường có nhiều bất ổn về mặt tâm lý. Những lời chê bai, phê phán của những người xung quanh, đặc biệt là phụ huynh, khiến các em ảnh hưởng về tâm lý, cảm giác bị cô lập và khao khát được giải tỏa.
Hội Cá voi xanh đã đánh đúng vào điểm này, người cầm đầu trò chơi đã tạo ra một cộng đồng mà ở đây, các em có thể tâm sự, chia sẻ, có cảm giác được hòa nhập và là chính mình. Ở Việt Nam, khi các em bị bủa vây bởi quá nhiều áp lực từ điểm số, thi cử thì việc các em tìm đến những nơi được xem là “cứu cánh cho tâm hồn, giải thoát khỏi thực tại” sẽ là chuyện khó tránh khỏi.
Chuyên gia Nguyễn An Chất phân tích, giới trẻ Việt Nam thường tiếp thu cái mới theo kiểu tò mò. Cái gì càng bí hiểm, càng mang tính chinh phục sẽ càng hấp dẫn các em. Và một khi đã tham gia và bị cuốn theo trò chơi với những quy tắc, luật lệ thì người chơi sẽ dần dần hoàn toàn tuân thủ, bởi lẽ khi tuân thủ, họ sẽ được công nhận và lúc đó cảm giác của người chơi từ chỗ tuân thủ mệnh lệnh sẽ trở thành làm chủ.
Nạn nhân sống sót tiết lộ kí ức kinh hoàng về trò chơi
Mohamed Ahmed, một người Ai Cập, 21 tuổi cho biết anh đã chịu ảnh hưởng của trò chơi Thử thách Cá voi xanh sau khi gặp các vấn đề về tâm lý từ một số cuộc đụng độ với bạn bè, khiến anh ta muốn thoát khỏi vấn đề bằng cách tham gia trò chơi.
Mohamed Ahmed nói: "Vào giai đoạn đầu trò chơi, tôi đã sử dụng một trong những vật sắc nhọn để khắc hình con cá voi trên tay. Trong thời gian này, tôi mất kiểm soát bản thân, tâm trí và mọi giác quan."
Anh ta cũng nhấn mạnh rằng mình bị trò chơi kiểm soát một cách kỳ lạ và không thể hiểu nổi, đặc biệt là sau khi nhận được lệnh đọc một số từ trong tiếng Do Thái. Thậm chí anh ta còn cho biết mình đã nhìn thấy ma trong gương và trên tường ở nhà khi tham gia vào các giai đoạn mới nhất của trò chơi.
Người đàn ông này cũng được yêu cầu làm hại gia đình và sau đó tự tử. Anh cho biết: “Tại thời điểm này, gia đình tôi đã can thiệp và bắt đầu kiểm soát tôi khi họ biết chuyện. Đôi khi tôi không cảm thấy những gì đang xảy ra".
Mặc dù các chiến dịch nâng cao nhận thức đã được đưa ra gần đây trên các phương tiện truyền thông chống lại trò chơi trực tuyến chết người, nhưng dường như trò chơi này đang rất khó bị ngăn chặn.
Mỹ An (T/h)