Trong số hàng nghìn Thủ khoa được ghi danh “sổ vàng” trong suốt 17 năm qua, có không ít những Thủ khoa không tìm được tấm thảm vàng mềm mại dưới chân, có người làm trái ngành, có người “lui về” chăm sóc gia đình, bỏ ngỏ tấm bằng đại học loại xuất sắc. Vậy, câu chuyện Thủ khoa thất nghiệp có thực sự đáng sợ?!
Ước mơ “trồng người” bị dập tắt
Sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn tại một tỉnh miền núi phía Bắc, cô học trò nhỏ Bạch Thị Hiền (SN 1994) luôn luôn khát khao sẽ dùng con chữ để thoát nghèo, và nuôi ước mơ trở thành một giáo viên giỏi để “gieo chữ trên non” cho nhiều thế hệ. Chính vì vậy, Hiền luôn luôn nỗ lực, học tập thật chăm chỉ, hy vọng sẽ tìm được “đóa hoa may mắn” cho cuộc sống của mình.
Năm 2016, Hiền là 1 trong 100 gương mặt Thủ khoa tốt nghiệp đại học xuất sắc, được tuyên dương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những tưởng, con đường của Hiền sau khi bước qua ngưỡng cửa đại học sẽ trải toàn hoa hồng, nhưng không, cuộc sống của cô Thủ khoa dường như gặp quá nhiều bão tố. Sau hơn 3 năm tốt nghiệp, hiện tại, Hiền đã phải từ bỏ giấc mơ đứng trên bục giảng, và tìm niềm vui trong một cuộc sống mới, với những lo toan “cơm áo gạo tiền”.
Nhắc đến cuộc sống hiện tại, Hiền thoáng im lặng, rồi lướt điện thoại, đưa cho tôi xem những hình ảnh của một bé gái độ 9-10 tháng tuổi: “Đây là con gái tôi!”, Hiền mở đầu cuộc trò chuyện.
“Sau này con bé lớn lên, tôi nhất định sẽ dạy con nhiều thứ để con có nhiều kỹ năng sống hơn, có thể mạnh mẽ đối diện với tương lai, chứ không phải giống như mẹ bây giờ...”, đôi mắt người mẹ trẻ như ánh lên một nét buồn xa vời vợi. “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo nên từ bé tôi đã nhút nhát, hay mặc cảm, tự ti về bản thân.
Tôi lớn lên trong câu nói của mẹ “Muốn đổi đời thì phải học!”, nên suốt những năm tháng cắp sách lên giảng đường, tôi chỉ biết lao đầu vào học, mà không hề hay biết rằng, ngoài học ra, mình cần biết rất nhiều điều khác...”, Hiền chia sẻ.
Lễ tuyên dương Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc năm 2019 |
Ước mơ trở thành giáo viên, mang tri thức đến cho học trò của Hiền được nhen nhóm từ những ngày còn là một cô bé được theo bố mẹ lên Đồng Văn, Yên Minh thăm người nhà làm giáo viên. Suốt 12 năm phổ thông, 4 năm đại học, Hiền chưa từng một lần nghĩ, chặng đường đến với ước mơ đứng trên bục giảng lại khó khăn và chông chênh đến vậy.
Khi bố đột ngột qua đời, một mình mẹ rất vất vả nhưng vẫn cố gắng nuôi 3 chị em Hiền ăn học, bởi niềm tin vào “con chữ” quá lớn lao. Hiền thương mẹ nhưng vẫn vâng lời mẹ, theo đuổi con đường học tập đến cùng. Tất cả những công việc làm thêm quen thuộc với một sinh viên, như rửa bát thuê, lau dọn, bồi bàn, dạy gia sư..., Hiền chưa bỏ sót việc nào, chỉ để phụ giúp gia đình và theo đuổi ước mơ cô giáo.
Tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, nhưng buồn thay, cô lại trở thành “ví dụ sống” để họ hàng, làng xóm định hướng cho con em khi chọn trường đại học: “Nhìn gương chị Hiền đi... Tuyệt đối không được thi sư phạm!”. Bởi vì, dù là một Thủ khoa xuất sắc, nhưng Hiền vẫn thất nghiệp dài dài.
Giọt nước mắt của Thủ khoa
Từ một nữ sinh sư phạm tràn đầy tự tin, luôn khát khao và hào hứng với công việc, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, những lời bàn tán xì xào, những ánh mắt dò xét của xóm làng cũng như đôi bàn tay chai sạn vì công việc đồng áng, buôn bán ở chợ đã khiến Hiền cảm thấy bị tổn thương. Hiền bộc bạch: “Bản thân tôi thực sự đã rất cố gắng, thành tích là do mình đạt được chứ chẳng phải “xin xỏ” ai, nhưng bước ra khỏi giảng đường đại học, đi làm, lại là một câu chuyện khác, đòi hỏi nhiều yếu tố.
Tôi bảo thủ muốn ở lại địa phương không muốn đi xa, là vì không muốn xa gia đình, muốn ở bên cạnh và chăm sóc những người mình yêu thương, cũng vì thế mà tôi nghĩ mình phải chấp nhận không được theo nghề”.
Một thời gian sau, cô Thủ khoa sư phạm bắt đầu nghĩ thoáng hơn, cho rằng, có thể mình không có duyên với nghề “cầm phấn”, nên đã buông bỏ giấc mơ đứng trên bục giảng. Cô quyết định kết hôn, theo chồng kinh doanh nhỏ và dành thời gian chăm sóc gia đình. Hiền khá hài lòng với cuộc sống mới, tuy vất vả nhưng hạnh phúc: “Trong suốt 3 năm “va đập”, “lăn lộn” vừa qua, cuộc đời đã dạy cho tôi nhiều điều, tôi cũng nhận ra, có những vấn đề tế nhị mà tôi thiếu kỹ năng sống nên xử lý câu chuyện của mình không thông minh. Mặc dù rất tiếc vì học đại học xong lại không thể gắn bó với nghề mà mình yêu thích, nhưng cũng không quá bi quan, bởi, với công việc này, tôi cũng có nhiều thời gian chăm sóc gia đình nhiều hơn”, Hiền bộc bạch.
Theo Hiền, dù có là một Thủ khoa hay là một cử nhân bình thường, khi ra trường cũng phải học cách chấp nhận, học cách lạc quan. Với cuộc sống hiện đại, chúng ta rất cần kỹ năng sống, kiến thức chỉ cần lên mạng gõ một lúc là ra, nhưng kỹ năng thì không. “Cuộc đời không phải lúc nào cũng như mình mong muốn, nhưng không thể vì thế mà ta thất vọng, chán nản. Đôi lúc tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn, và nhận ra, khi một cánh cửa đóng lại sẽ có một cánh cửa mới mở ra đón chào mình. Chỉ cần thật mạnh mẽ, tự tin đón chào cuộc sống mới thì sẽ tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc cho bản thân”, có lẽ cuộc sống đã thay đổi nhiều suy nghĩ của cô nàng Thủ khoa năm nào”, Hiền chia sẻ..
Hãy biết cách chăm sóc những “hạt giống”!
Trước những câu chuyện buồn của không ít Thủ khoa tương tự như câu chuyện của Hiền, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT nhận định: “Hiện nay, chúng ta giàu có không chỉ bởi tài nguyên với rừng vàng biển bạc, mà phải dựa vào nguồn lực phát triển bằng trí tuệ. Những Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học có thể xem là những “hạt giống” được chọn lựa rất tốt. Nếu chúng ta biết cách “ươm mầm”, biết cách chọn lọc và chăm sóc những “hạt giống” tốt đó, sẽ có thể gặt hái những “cực phẩm”, đó có thể là một kết quả rất đáng mừng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Tất nhiên, trong những năm qua, các lãnh đạo cũng đã để ý hơn đến việc chăm sóc, thu hút trọng dụng nhân tài, tuy nhiên, chính sách chưa thực sự phù hợp nên chưa mang lại hiệu quả cao. Chính vì vậy, cần chú ý hơn, có cách “ươm giữ”, chăm sóc xứng đáng đối với những “hạt giống” đẹp này, mong các nhà hoạch định chính sách làm sao có thể phát triển và sử dụng được nhân tài”.
“Đồng thời, bản thân các Thủ khoa cũng cần nhìn nhận rõ, đạt danh hiệu Thủ khoa cũng là một điều rất đáng tự hào, nhưng tự hào hơn là đem được kiến thức mình “thu gặt” được đi gieo trong cuộc sống, để phục vụ cho xây dựng phát triển đất nước”, nguyên Thứ trưởng nhấn mạnh.
Sau cánh cổng đại học, không phải Thủ khoa nào cũng có sự lựa chọn giống nhau, có người tiếp tục theo đuổi “đèn sách”, học tập và nghiên cứu, có người công tác ở lĩnh vực mình đã học, nhưng cũng có không ít người lựa chọn một ngành nghề khác, hoặc một công việc ngay tại gia đình. Dù có lựa chọn ra sao, các Thủ khoa cũng có thể tìm thấy những thành công cho riêng mình, chỉ cần lựa chọn đúng phương pháp.
(Tên nhân vật Thủ khoa đã được thay đổi)
Cẩm Mịch
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 203