+Aa-
    Zalo

    Thu hồi đề án đổi mới thi THPT quốc gia hơn 749 tỷ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo thu hồi đề án 'Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020'.

    Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo thu hồi đề án 'Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020'.

    Ngày 22/5, thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT cho biết từ phản ánh của báo chí về đề án "Đổi mới thi THPT QG và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo kiểm tra lại nội dung đề án.

    Theo đó, Bộ trưởng đã xét thấy nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lặp, một số nội dung thiếu khả thi.

    Ngoài ra, bộ cũng phát hiện và thừa nhận có một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi. Do vậy, Bộ trưởng đã chỉ đạo thu hồi đề án để tiếp tục hoàn thiện.

    Bộ Giáo dục thu hồi Đề án đổi mới thi THPT Quốc gia 749 tỉ đồng. Ảnh minh họa.

    Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, thực hiện Nghị quyết 44/NQ-CP ngày 9/6/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ). Theo đó, từ năm 2015, tổ chức 1 kỳ thi THPT QG lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.

    Kỳ thi THPT Quốc gia đã được sự đồng thuận cao của xã hội, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, được tổ chức thành công, đạt được những mục tiêu cơ bản về đổi mới thi và tuyển sinh: nghiêm túc, khách quan, trung thực nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.

    Để đảm bảo sự ổn định và làm cơ sở để tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2021 trở đi phù hợp với chương trình SGK mới, Bộ GD-ĐT đã xây dựng Đề án “Đổi mới thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020”.

    Tuy nhiên, đề án đổi mới thi, tuyển sinh được phê duyệt gây nên những băn khoăn trong các chuyên gia giáo dục. Trong đó, như đã nói trên, băn khoăn lớn nhất là khoản kinh phí thực hiện đề án là hơn 749 tỷ đồng.

    Theo đề án, năm 2018 sẽ chi hơn 344 tỉ đồng, năm 2019 chi hơn 203,6 tỉ đồng và năm 2020 chi hơn 201,6 tỉ đồng.

    Đặc biệt, tuy đề án có tên "Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020", nhưng theo chính nội dung đề án này, thì trong ba năm thực hiện (từ năm 2018-2020), kỳ thi THPT quốc gia về cơ bản không thay đổi so với phương án thi THPT quốc gia đã thực hiện năm 2017 và phương thức thi THPT quốc gia năm 2018 đã công bố.

    Điểm được xem là mới trong đề án này là định hướng thi trên máy tính vào năm 2021. Do đó, đề án chú trọng việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi và tuyển sinh. Cùng với đó là xây dựng và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia với tổng kinh phí là 317 tỷ đồng (trong đó riêng năm 2018 kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm là 153 tỷ đồng); dự kiến xây dựng hệ thống 24 trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia…

    Một phần dự toán khác dành cho các phần mềm như: Năm 2018 dành 8 tỷ đồng cho phần mềm tuyển sinh điều chỉnh và 8 tỷ đồng phần mềm hỗ trợ xét tuyển trực tuyến (trong tổng số 23 tỷ đồng của công tác tuyển sinh); năm 2019 kinh phí vận hành và nâng cấp phần mềm là 7 tỷ đồng (trong tổng số 14,2 tỷ đồng) và đến năm 2020 chi phí vận hành, nâng cấp phần mềm tuyển sinh còn 6 tỷ đồng…

    Bộ GD-ĐT giải thích: “Con số hơn 749 tỷ đồng đề cập đến là khái toán cho 3 năm từ 2018-2020, bộ phận soạn thảo đã đưa vào khái toán nhiều khoản kinh phí không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi THPT QG và tuyển sinh ĐH, CĐ. Ví dụ kinh phí từ Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Dự án Hỗ trợ Đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP), Chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP). Cách khái toán này đã dẫn đến sự không thống nhất trong cách hiểu, cần phải nghiên cứu điều chỉnh cả nội dung và vấn đề tài chính khi soạn thảo Đề án”.

    Do đó, Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo bộ phận soạn thảo nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án, dự án, đặc biệt là khi tính toán các nội dung về tài chính.

    Mỹ An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-hoi-de-an-doi-moi-thi-thpt-quoc-gia-hon-749-ty-a230397.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan