(ĐSPL) - Liên tục từ đầu năm, lực lượng chức năng thu giữ nhiều lô hàng lá khát được gửi đi quốc tế. Đây là loại cây chứa cathinone và cathine, loại ma túy cực nguy hiểm. Điều này đang dấy lên lo ngại, đặc biệt về việc Việt Nam có phải là thị trường tiêu thụ của loại lá này, hay chỉ là trạm trung chuyển?
Ma túy đội lốt thảo mộc khô
Ngày 22/9, cục Hải quan Hà Nội đã khám xét, thu giữ 82,5kg lá thảo mộc khô nghi chứa chất ma túy qua đường bưu chính quốc tế tại chi cục Hải quan chuyển phát nhanh.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình và thu thập thông tin theo kế hoạch được xác lập, đội Kiểm soát phòng chống ma túy, chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (cục Hải quan Hà Nội) phối hợp với đội 5, cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và lực lượng công an tiến hành khám xét 11 gói bưu kiện gửi hàng từ Việt Nam gửi ra nước ngoài theo đường bưu chính quốc tế. Kết quả kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện trong 11 gói bưu kiện nêu trên là thảo mộc khô, trọng lượng 82,5kg, nghi có chứa chất ma túy.
11 kiện hàng được xác định có chứa lá khát (ảnh VOV) |
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Văn Mích, Đội phó đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực phía Bắc (Tổng cục Hải quan) khẳng định: “Theo thông tin ban đầu, lô hàng bị thu giữ này nghi là lá khát. Số lượng là 11 gói bưu kiện được gửi theo đường bưu chính quốc tế. Hàng hóa khi mở ra là loại thảo mộc khô, chúng tôi nghi là loại có chứa chất ma túy. Chúng tôi đã lấy mẫu và chuyển sang viện Khoa học Hình sự, bộ Công an để giám định. Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ lô hàng này. Chúng tôi đang chờ kết quả giám định tiếp theo của viện Khoa học Hình sự để có biện pháp xử lý. Bước đầu, chúng tôi nghi vấn là lá khát”.
[mecloud]H1UKSFxBlH[/mecloud]
Trả lời câu hỏi của PV, dường như kết quả cho thấy thời gian qua cơ quan chức năng Việt Nam có chiều hướng bắt được nhiều vụ vận chuyển lá khát hơn, ông Mích cho biết: “Lá khát có xuất xứ từ các nước châu Phi. Ở đó, họ trồng nhiều loại này. Việt Nam không phải là thị trường tiêu thụ chính của loại lá này mà chủ yếu là địa điểm trung chuyển đến các nước châu Âu, Mỹ... Các đối tượng buôn lậu ma túy lợi dụng Việt Nam là địa điểm trung chuyển lá khát”.
Cơ sở pháp lý xử lý tội phạm liên quan đến lá khát chưa rõ
Lý giải lý do vì sao Việt Nam lại được các đối tượng buôn lậu ma túy chọn làm nơi trung chuyển lá khát, ông Mích cho rằng: “Loại lá này sau khi được sấy khô nhìn cảm quan bên ngoài rất giống các loại thảo mộc, chè khô. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu chè lớn trên thế giới. Chính vì thế, các đối tượng lợi dụng trung chuyển chất ma túy này sang các nước như nói trên”.
Theo ông Mích, gần đây, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, bộ Tài chính, lực lượng chống ma túy chuyên trách của Tổng cục Hải quan, hải quan các địa phương tăng cường biện pháp kiểm soát về loại hàng hóa lá khát. Sau khi thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã bắt giữ được một số vụ vận chuyển lá khát”.
Tang vật thu giữ (ảnh: VOV) |
Nói về tác hại của lá khát, ông Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó viện trưởng viện Khoa học Hình sự, bộ Công an nhấn mạnh: “Lá khát có chứa cathinone và cathine là 2 chất dùng để điều chế ma túy tổng hợp mới. Nhai lá khát sẽ thành thói quen trường diễn, tạo nên sự phụ thuộc vào nó. Nhai lá khát và hiệu ứng của cathinone lên cơ thể là khác nhau gữa các cá thể khác nhau, nhưng đều có khuynh hướng chung là gây ra cảm giác ảo tưởng, kéo dài từ 1- 2 giờ”.
Theo ông Hùng, những người sử dụng chất này coi vấn đề đang thảo luận là nghiêm trọng và cảm giác bị kích thích tăng lên. Đặc biệt, những người sử dụng, nhai loại lá này sẽ tạo nên ảo giác, tiếp đó đến giai đoạn trầm cảm, rồi trở lại giai đoạn bị kích thích, ngớ ngẩn và mất ngủ. Việc sử dụng lá khát sấy khô, khiến mắt mờ, dễ nổi nóng, ra mồ hôi nhiều, nhịp tim tăng, co giật, khó thở, chảy máu mũi, suy nhược, rối loạn tâm thần, trực tiếp gây ra cái chết cho nhiều người.
Theo một cán bộ công an, đây là loại ma túy mới, nhưng độc hại hơn thuốc phiện gấp 500 lần. Tác hại lập tức và lâu dài của cathinone mạnh hơn cả ma túy “đá” và cocaine.
Ông Mích cũng chia sẻ thêm: “Lá này là loại ma túy rất mới với Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Cho đến thời điểm hiện nay, chế tài xử phạt, hành lang pháp lý, về hàm lượng ma túy... để xử lý hình sự còn một số vấn đề chưa rõ, phải xem xét lại. Chất canthinone đã nằm trong danh mục chất ma túy nhưng hàm lượng cụ thể để xác định hàm lượng, số lượng bao nhiêu để có thể đưa ra xử lý hình sự thì chưa được rõ. Chúng tôi đang tiếp tục trao đổi, xin ý kiến của viện kiểm sát, toà án để thống nhất có biện pháp xử lý cụ thể”.
Đỗ Thơm
Xem thêm video:
[mecloud]H1UKSFxBlH[/mecloud]